Xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, gây cháy rừng

07:10, 11/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngành kiểm lâm đang nỗ lực bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Đại - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm cho biết một số kết quả những bất cập trong công tác này.
 
-P.V: Trong 9 tháng năm 2014 việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng đạt kết quả như thế nào, thưa ông?  
Ông NGUYỄN ĐẠI: Từ đầu năm đến nay Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo ngăn chặn tình trạng phá rừng trên địa bàn giáp ranh 2 huyện Sơn Hà và Sơn Tây; kiểm tra hiện trường phá rừng và triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý việc phá rừng sản xuất của Dự án KfW6 tại xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành); kiểm tra, truy quét ngăn chặn tình trạng chặt, phá rừng, khai thác lâm sản, vỏ cây bùi, quả ươi, quả xoay trái pháp luật tại các vùng trọng điểm theo thông tin báo chí phản ánh; kiểm tra, phúc tra kết quả theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp năm 2013 để triển khai thực hiện trong năm 2014 theo kế hoạch.

Ngoài ra, chúng tôi đã xây dựng phương án kiểm kê rừng tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2014 – 2016 đã được UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời chỉ đạo các hạt kiểm lâm triển khai chuẩn bị  công tác kiểm kê rừng trên địa bàn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) cho hợp đồng bảo vệ rừng, PCCCR trong các tháng cao điểm mùa khô 2014; kiểm tra công tác triển khai PCCCR tại 5/12 huyện, kịp thời chấn chỉnh nhắc nhở những thiếu sót trong công tác PCCCR;  bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 7/8 Ban quản lý rừng phòng hộ với diện tích 94.167,426ha/ 1.213 giấy, đạt 87,23% diện tích cần giao.

9 tháng qua, lực lượng kiểm lâm đã tổ chức 2.054 đợt tuần tra,   kiểm tra và truy quét, phát hiện 293 vụ vi phạm. Đến nay đã xử lý 205 vụ, trong đó xử lý hành chính 198 vụ và chuyển hồ sơ cho công an xử lý hình sự 7 vụ; thu giữ gần 210 m3 gỗ các loại; 1.930 kg than hầm; 1.775 kg vỏ cây rừng; 440 kg quả ươi; 872 kg quả xoay; 04 xe ô tô, 38 xe gắn máy; 17 cá thể động vật rừng và 59 kg sản phẩm động vật rừng. Tổng số tiền thu xử phạt vi phạm hành chính và bán lâm sản, phương tiện tịch thu gần 2,5 tỷ đồng...
-P.V: Dù ngành kiểm lâm đã dồn sức bảo vệ rừng nhưng số vụ phá rừng và cháy rừng vẫn tăng so với cùng kỳ, theo ông vì sao?

Ông NGUYỄN ĐẠI:  Trong 9 tháng qua trên địa bàn tỉnh xảy ra 29 vụ cháy rừng với tổng diện tích rừng bị cháy gần 59 ha, tăng 21 vụ, tương ứng với 46,5 ha; 26 vụ phá rừng với diện tích rừng bị phá 12,5 ha, tăng 15 vụ, tương ứng với 9 ha.

Có nhiều nguyên nhân làm cho số vụ cháy rừng và phá rừng tăng lên. Trong đó đáng chú ý là thời tiết năm nay mùa khô nắng nóng kéo dài, tháng 9 vẫn còn xảy ra cháy rừng. Mặt khác, diện tích rừng trồng tại Quảng Ngãi có trên 166 nghìn hecta, xen kẽ nhiều cấp tuổi, vào thời kỳ khô kiệt cao điểm, các diện tích rừng trên 123 xã trọng điểm đều có nguy cơ cháy cao nếu sơ suất chủ quan trong sử dụng lửa, đặc biệt trong xử lý thực bì sau khai thác. Trong khi đó biên chế kiểm lâm bố trí xuống địa bàn xã chưa tương xứng so với diện tích rừng hiện có, kinh phí phục vụ cho tuần tra, kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng chưa đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, trách nhiệm một số chính quyền địa phương, chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa cao, để rừng bị mất nhưng chưa kịp thời phát hiện, xử lý. Việc nắm bắt và quản lý các đối tượng thường xuyên vào rừng khai thác, chặt, phá rừng, đốt than trái pháp luật chưa chặt chẽ. Một số chủ rừng chưa chủ động phối kết hợp với kiểm lâm sở tại tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng trên địa bàn. Tính chất, hành vi xâm hại rừng ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng lâm tặc rất manh động sẵn sàng chống đối lực lượng kiểm lâm trong thực thi công vụ khi bị phát hiện, bắt giữ nhằm tẩu tán phương tiện, tang vật vi phạm.  Ý thức của một bộ phận người dân trong công tác PCCCR còn hạn chế. Tình hình xâm canh, lấn chiếm đất rừng, phá rừng trồng mỳ, khai thác lâm sản diễn biến phức tạp...

-P.V: Vậy giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?

Ông NGUYỄN ĐẠI: Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR bằng nhiều hình thức như họp dân, phát tờ rơi, tuyên truyền trên loa phát thanh của huyện, xã, khu dân cư… nhằm nâng cao nhận thức của chủ rừng và người dân trong công tác bảo vệ rừng; thành lập tổ, đội PCCCR gồm chủ rừng, hộ dân có rừng liền kề, yêu cầu trước khi đốt thực bì chủ rừng phải báo với chính quyền đại phương về địa điểm thời gian đốt để kiểm tra giám sát; tuyên truyền cho khách tham quan du lịch về an toàn khi dùng lửa trong rừng cũng như việc đốt thực bì của người dân

Về chuyên môn, chúng tôi sẽ chỉ đạo Hạt Kiểm lâm tham mưu cho UBND huyện tiếp tục thực hiện việc phân cấp quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho UBND xã theo quyết định của UBND tỉnh để nâng cao trách nhiệm quản lý rừng từ cơ sở; đôn đốc, chỉ đạo kiểm lâm địa bàn thường xuyên kiểm tra, truy quét các điểm thường xảy ra phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, gây cháy rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.
 
THANH TOÀN (thực hiện)

 

.