(Baoquangngai.vn)- Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (huyện Ba Tơ) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là cơ hội lớn để quảng bá, xây dựng thương hiệu cho làng nghề truyền thống; phát triển nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch làng nghề, song đồng thời cũng tạo ra những thách thức trong việc phát huy và bảo tồn giá trị của di sản này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mới đây, khi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, điều đó càng khiến cho chính quyền địa phương, các nghệ nhân càng nỗ lực hơn trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy được di sản của dân tộc mình.
Đây là cơ hội lớn để phát triển du lịch làng nghề ở địa phương trong tương lai, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, bảo tồn được làng nghề truyền thống có từ lâu đời ở huyện vùng cao Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, sản phẩm của Làng Teng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiêu thụ nên không tiếp cận rộng rãi với nhiều đồng bào; sản phẩm chưa đa dạng về mẫu mã, phổ biến nhất là trang phục nam nữ, tấm địu con, khăn quấn đầu...
Niềm đam mê, gìn giữ nghề thổ cẩm truyền thống của đồng bào Hrê đang được nhen nhóm trở lại. Tuy nhiên nếu như chỉ có niềm đam mê không thì chưa đủ, khi mà sản phẩm của họ làm ra chưa được quảng bá, tiêu thụ rộng rãi.
Điều đó đồng nghĩa với việc chưa mang lại giá trị kinh tế cho người dân thì đời sống của những người làm nghề dệt lâu năm gặp khó khăn, về lâu dài không thể duy trì làng nghề.
Nhiều thách thức đặt ra, đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay mạnh hơn nữa của các cấp, chính quyền địa phương, sở, ngành và nghệ nhân ở đây để nghề dệt thổ cẩm ở Làng Teng ngày càng được nhiều người biết đến, giải quyết được việc làm, mang lại thu nhập cho người dân, bảo tồn được sản phẩm truyền thống của đồng bào Hrê, Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Thiên Hậu- Thủy Tiên