Bãi bồi nằm gần cửa biển nên thích hợp cho ốc móng tay có quanh năm, nhưng từ tháng 3 đến tháng 4 ốc mới xuất hiện nhiều, thịt có vị đậm đà, dai và thơm ngon. Để bắt được con ốc móng tay, người đào phải bươn chân trên bãi bồi tìm hang ốc cả buổi ròng. “Phát hiện lỗ xì do ốc móng tay tạo nên có hình dẹt như chính hình dáng của nó, mình chỉ việc đào lưỡi cuốc sâu vào mặt đất là moi lên thành công”, em Nguyễn Trường Hận (17 tuổi), cho biết.
Việc bắt ốc móng tay phụ thuộc vào thủy triều, một tháng có thể làm từ 15 đến 20 ngày, trừ những ngày Rằm và mùng Một. Với số lượng ốc bắt trong 2-3 giờ được từ 2-3 kg/người, đa số là được đêm về chế biến thức ăn cho gia đình. “Nếu ăn không hết thì đem bán cho các hàng quán ăn trong vùng cũng được 150.000 đến 250.000 đồng”, em Nguyễn Hoàng Phúc (19 tuổi) cho biết.
Tuy có hình dáng hình dẹt và ngắn hơn so với ốc móng tay ở các tỉnh miền Tây, nhưng người dân Sa Huỳnh vẫn quen gọi là ốc móng tay, bởi nó có dáng thon thả như móng tay thiếu nữ, vỏ ốc khép hờ màu vàng, phần thân lộ ra ngoài được bao bọc bởi lớp màng trong và mịn, từ lâu đã trở thành món ăn dân dã được người dân miền biển Sa Huỳnh ưa chuộng.
Tháng 5, tháng 6, mùa ốc móng tay đi qua, mùa của những con nghêu, trùn đất, mùa ốc gạo lại bắt đầu. Cứ thế, ngày ngày qua ngày khác, vào mỗi buổi sáng sớm hay chiều mát, khi con nước thủy triều rút để rồi các loại hải sản thong dong ẩn mình trên bãi bồi và chỉ với một cái xô, cái rổ, cái cuốc nhỏ, người dân miền biển Sa Huỳnh lại bươn chân hành nghề bắt ốc để mưu sinh, cải thiện bữa ăn cho gia đình.