(Báo Quảng Ngãi)- Thay vì viết trên chất liệu giấy, điêu khắc chữ thư pháp trên đá là công việc vất vả và không kém phần nặng nhọc. Sau khi băng rừng lội suối, tìm được viên đá ưng ý, hoặc trao đổi với các thành viên cùng làm nghề, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn mới hoàn thành tác phẩm.
Để hoàn thành một tác phẩm trên đá, anh Dũng phác thảo chữ rồi dùng máy khắc đường viền, tiếp theo dùng mũi bo để mài chữ thành hình khối. Sau đó kiểm tra, thổi bụi, rửa lại viên đá rồi dùng sơn lớp lót chữ trước, sau đó mới sơn chính thức. |
Từng trải qua nhiều công việc như giáo viên, rồi chuyển sang làm thợ kim hoàn để mưu sinh tại TP.Hồ Chí Minh, nhưng tình cờ gặp một người thầy trong nghề khắc đá, anh Phạm Ngọc Dũng (1980) tổ 16, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) đã yêu thích nghề chơi lắm công phu này. Với nhiều công đoạn tỉ mỉ, cẩn thận, nên một tác phẩm nhanh nhất cũng phải hàng tiếng đồng hồ, còn những tác phẩm kỳ công phải cả tháng mới xong. Mang nghề điêu khắc đá về quê với mong muốn tìm thị trường và ổn định cuộc sống trên chính quê hương, dù vẫn còn khó khăn, nhưng anh Dũng hy vọng rằng với sự cần mẫn, chuyên tâm của mình, anh sẽ thổi hồn vào đá, biến những viên đá vô tri vô giác trở nên sống động.
“Có nhiều chi tiết nhỏ, khó phải tập trung cao độ để thể hiện, có khi thở mạnh cũng lệch nét chữ, nên phải chăm chú vào từng nét”, anh Dũng chia sẻ. |
Những tác phẩm điêu khắc đá được trưng bày, trang trí trong nhà, văn phòng công ty hay tạo cảnh quan sân vườn, resort... Những sản phẩm này vẫn giữ mãi với thời gian. |
HUỲNH THẢO