(Báo Quảng Ngãi)- Khi nghe đến địa danh Chương Nghĩa chắc hẳn nhiều người cảm thấy xa lạ. Và sẽ ngạc nhiên hơn khi địa danh Chương Nghĩa lại chỉ hai thực thể địa lý hành chính khác nhau ở Quảng Ngãi.
Trước tiên xin lưu ý rằng địa danh Chương Nghĩa xuất hiện từ xa xưa, là tên một trong ba huyện của phủ Tư Nghĩa (tức Quảng Ngãi). Trong bài vè “Lụt bất quá” của Tú tài Phan Thanh viết năm Mậu Dần 1878, có câu: “Ba huyện Quảng Nghĩa mười phần tả tơi”, thì ba huyện đó là Bình Sơn, Chương Nghĩa, Mộ Đức. Tỉnh Quảng Ngãi hồi bấy giờ chỉ hoạch định có ba huyện ấy. Nói một cách dễ hiểu nhất: Huyện Bình Sơn từ địa đầu giáp Quảng Nam đến bờ bắc sông Trà Khúc; huyện Mộ Đức từ địa giới tỉnh Bình Định chạy ra tới phía nam sông Vệ; còn địa hạt huyện Chương Nghĩa thì từ bờ nam sông Trà Khúc đến bờ bắc sông Vệ, tức địa hạt huyện Tư Nghĩa, một phần huyện Nghĩa Hành và TP.Quảng Ngãi hiện nay.
Văn bản số 4.201 ngày 30/10/1961 của tỉnh trưởng Quảng Ngãi, hiện còn lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng). |
Nhưng rồi địa danh Chương Nghĩa lại tái xuất, lần này không phải chỉ địa hạt hành chính như vừa kể, mà chỉ một thực thể địa lý khác. Đó là tên quận thuộc tỉnh Quảng Ngãi thời chính quyền Sài Gòn, thành lập ngày 9/9/1959 (Sắc lệnh số 234 - NV) của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (tức chính quyền Sài Gòn) từ một phần đất của huyện Kon Plong tỉnh Kon Tum, trừ các xã K.Tileo, Kon Brap, K.Kotuk và Kon Braphu, quận lỵ đóng tại Thượng Uyển. Ngày 16/9/1960, theo Nghị định số 1247/BNV/NC8/NĐ của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, đặt lại tên tiếng Việt cho các xã thuộc quận này: Kon Plong Bắc đổi là Chương Bắc; Kon Plong Nam đổi là Chương Nam; Vicklum đổi là Chương Trung; Kon Tao đổi là Chương Đông; Kon Wonkia đổi là Chương An; Kon Konang đổi là Chương Xuân; Mak Pan đổi là Chương Sơn. Lý do đổi tên được đưa ra là để đồng bộ hóa với các địa danh tiếng Việt đã có ở tỉnh Quảng Ngãi, theo đề nghị của tỉnh Quảng Ngãi.
Về mặt địa danh, tên quận Chương Nghĩa ở đây trùng với tên huyện Chương Nghĩa có từ thời phong kiến, song chưa thấy người đặt tên (chính quyền Sài Gòn) có chủ ý gì không, hay chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên về tên gọi. Các xã của quận Chương Nghĩa vốn là tên các làng theo tiếng của đồng bào thiểu số sở tại cũng đổi theo lối Hán Việt, viết bằng chữ Quốc ngữ, và lấy chữ “Chương” làm đầu (từ tên quận Chương Nghĩa), như phép chùm địa danh của các quận (huyện) khác.
Về mặt lịch sử, cứ theo thời gian thì quận Chương Nghĩa trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi dưới thời chế độ độc tài Ngô Đình Diệm cai trị miền Nam. Các tư liệu của chính quyền Sài Gòn hiện còn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) cho ta biết một số chi tiết khá thú vị. Quận từ tỉnh Kon Tum sáp nhập về Quảng Ngãi cuối năm 1959, nhưng chỉ đến ngày 22/3/1961, Tòa hành chính tỉnh Quảng Ngãi đã có Tờ trình đóng dấu mật số 735 VP/CT-I/M do tỉnh trưởng Nguyễn Văn Tất ký gửi ông đại biểu chính phủ tại Trung nguyên Trung phần trình lên Tổng thống xin chuyển quận này trở về tỉnh Kon Tum. Lý do là: “Theo đường xuyên sơn Mộ Đức - Giá Vực thì quận lỵ Chương Nghĩa cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi 180 cây số đường rừng, nhưng vì tình hình tăng cường quấy rối của Việt Cộng từ năm 1960, 1961 đã làm cho con đường này gần như không dùng được nữa, nếu như không có một lực lượng quan trọng yểm trợ. Do đó tất cả việc giao thiệp giữa tỉnh và quận Chương Nghĩa đều phải qua Pleiku đến Kon Tum rồi về Chương Nghĩa, nhưng cuộc hành trình phải kéo dài trên 400 cây số. Như thế những cuộc tiếp viện sẽ mất hết thời gian và dĩ nhiên không mang lại kết quả”.
Đầu tháng 10/1961, chính quyền Sài Gòn có quyết định chuyển huyện Chương Nghĩa từ tỉnh Quảng Ngãi về lại tỉnh Kon Tum. Chính quyền hai tỉnh trao đổi việc bàn giao. Phía Kon Tum đề nghị làm nghi lễ bàn giao cần có tỉnh trưởng hoặc phó tỉnh trưởng của hai tỉnh tại Chương Nghĩa, song phía Quảng Ngãi lại thấy e ngại vì một “Phó tỉnh trưởng nội an vừa tử trận ngày 11/10/1961” và việc tập trung các nhân vật quan trọng tại Chương Nghĩa trong bối cảnh ấy “xét ra không có lợi” (Tờ trình đóng dấu mật của Tỉnh trưởng Quảng Ngãi gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ, số 4.201/VP/M ngày 30/10/1961), cuối cùng Bộ Nội vụ đồng ý với ý kiến này. Phối kiểm với tư liệu lịch sử, thấy chi tiết Phó tỉnh trưởng tử trận ngày 11/10/1961 khá xác thực, chính là trong trận thắng Trà Nô tại xã Ba Tô, huyện Ba Tơ của quân Giải phóng. Các văn bản lưu trữ cũng cho thấy trục đường 5A (Thạch Trụ - Ba Tơ - Kon Plong - Kon Tum) đã bị cắt đứt từ năm 1961, buộc chính quyền Sài Gòn phải chuyển quận Chương Nghĩa về tỉnh Kon Tum.
CAO CHƯ