Địa danh dân gian ở Ba Tơ: Nhiều điều thú vị

10:10, 13/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Ba Tơ là nơi đồng bào Hrê và người Kinh sinh sống từ lâu đời, để lại nhiều địa danh dân gian gốc tiếng Hrê và gốc tiếng Việt phổ thông. Giải mã địa danh là một công việc thú vị, giúp hiểu hơn về vùng đất Ba Tơ anh hùng và có chiều sâu văn hóa từ xa xưa.
[links()]
 
Về Ba Tơ, nghe nói về địa danh Đồng Chùa (tên gọi tổ dân phố thuộc thị trấn Ba Tơ hiện nay), không có ngôi chùa nào cả, mà nguyên gốc tiếng Hrê gọi là Đông Chua. Đông là đồng, còn Chua nghĩa là con heo, tên gọi cánh đồng phát tích từ xưa, một già làng nơi đây đem heo ra cúng để mong thần cho suối Lệ Trinh tắm táp cho cánh đồng đủ nước.
 
Đồng Chùa sau đó là tên thôn, rồi chữ Chùa trở thành một từ trong tên gọi của xã sở tại (xã Ba Chùa, nay đã sáp nhập vào thị trấn Ba Tơ và xã Ba Dinh). Hay như tên gọi Làng Teng đã được nhiều người biết, là làng có nhiều cây thầu đâu (sầu đông), tiếng Hrê gọi là hteng. Nếu không biết gốc gác Tài Năng (tên tổ dân phố của thị trấn Ba Tơ và tên suối hiện nay) vốn có gốc tiếng Hrê (t’neng), ắt hẳn nhiều người sẽ bị hiểu nhầm về nghĩa của địa danh này.
 
Trên địa bàn huyện Ba Tơ có nhiều địa danh chỉ núi mà gốc tiếng Hrê gọi là wang, có khi được phiên ra chữ là Hoang, Hoàng, Vàng, Vang, như Hoang Ca Diêu, Hoang Blăng, Hoang Pô, Vang Mum. Hoang Pô nghĩa là núi trâu, từ thực tế xưa kia núi này là nơi tập trung rất nhiều trâu. Nơi có xuất phát con nước thì gọi là Gòi, có khi phiên là Gọi, Gò, như Gòi Hre, Gò Lã...
 
Tên thôn, tên làng cũng gắn với đặc điểm tự nhiên, như Đồng Xoài gốc tiếng Hrê là Đông Xôi, có nghĩa là cánh đồng có nhiều cây xoài (loang xôi). Gò Rét là núi đồi nơi có nhiều cây rét (loang hrék), loài cây hoa sữa mọc tự nhiên.
 
Thác Lũng Ồ ở xã Ba Thành (Ba Tơ).
Thác Lũng Ồ ở xã Ba Thành (Ba Tơ).
Ma Nghít nghĩa là trong xanh, có rừng nguyên sinh. Kon Kua là làng có nhiều cây ươi (loang pua). Làng Giấy là làng có nhiều cây trái zâiq (một loại cây thường dùng để ăn trầu). Địa danh gốc tiếng Hrê cũng thường có từ tố Mang (Tman) chỉ vùng đất bằng, như Mang Đen, Mang Mư, Mang Krá.
Đồng bào Hrê và người Kinh có sự giao lưu, trao đổi buôn bán từ lâu đời, từ đó mà bên cạnh địa danh dân gian gốc tiếng Hrê, gốc tiếng Việt phổ thông, còn có loại địa danh hỗn hợp gốc tiếng, nghĩa là trong một địa danh có một từ tố gốc tiếng Hrê, một từ tố gốc tiếng Việt, như Nước Như, Hoang Hỏa, Làng Rầm, Làng Tốt. Qua các địa danh hỗn hợp ngôn ngữ này, ta thấy sự quan hệ giao lưu lâu đời, sâu rộng giữa đồng bào các dân tộc ở huyện Ba Tơ, vốn quý trong tình đoàn kết các dân tộc anh em.

Bên cạnh địa danh gốc tiếng Hrê, ở huyện Ba Tơ cũng có nhiều địa danh gốc tiếng Việt phổ thông có từ xa xưa. Như Đá Bàn hay Thạch Bàn, Hoàn Đồn hay Hoàng Ngư Đồn.

Tại giáp ranh các xã Ba Thành, Ba Liên và Ba Động có núi và đèo Ông Huyện gắn với tích xưa đã được ghi trong sách Đại Nam nhất thống chí của Sử quán Triều Nguyễn: “Nguyên thuở xưa có nha môn huyện Mộ Đức ở đây; dân trong huyện đi về thường do núi Tiêm Trúc, nhưng đường núi gồ ghề đi lại không tiện. Lúc đó có quan huyện tên là Nho đào đường mở núi ấy, mọi người đi lại mới được tiện lợi nên gọi cho tên ấy.
 
Dưới chân núi phía đông có 10 hòn đá trắng, 1 hòn mẹ, 9 hòn con (nghĩa là 1 lớn 9 nhỏ); hòn lớn như viên đạn súng lớn, hòn nhỏ bằng trứng gà, rất linh, người ta không dám động đến. Ở bên có các miếu cổ, tên là đền Thạch Tướng Quân”.
 
Tại xã Ba Trang có núi Hòn Hỏa, tiếng Hrê là Hoang Hỏa, nguyên tên xưa là Hốt Hỏa, nghĩa là lửa cháy. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn giải thích về tên gọi của núi: “Núi nhô hẳn lên, cao to, xa trông như lửa cháy, cho nên có tên như thế”. Sách Phủ Man tạp lục viết: Núi nằm về phía bắc núi Sa Lung, có nhiều rừng cây.
 
Trong kháng chiến chống Mỹ, ở Hòn Hỏa có đặt bệnh xá Bác Mười, nơi Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm làm việc và hy sinh ngày 22/6/1970. Tại xã Ba Thành có núi Tai Mèo vì có hình dạng đôi tai mèo, có Bến Buôn nơi có di tích khởi nghĩa Ba Tơ; tên gọi Bến Buôn xuất hiện từ nhiều trăm năm trước, gắn với người dưới xuôi đi buôn nguồn: "Bến Buôn là chỗ gặp nhau/ Đổi chác hàng ở dưới xuôi, trên nguồn"(Ca dao).
 
                                Địa danh gắn với con nước
 
Trong địa danh gốc tiếng Hrê có nhiều địa danh chỉ con nước, cũng có nhiều địa danh chỉ nơi hai con nước gặp nhau, được phiên là Vã, Pà, Vă, như Vã Nhăn, Pà Ê, Vã Lế, Vă Tia. 
 
Cũng có vực gắn liền với tích xưa, như vực Dha Ỏ ở phía bắc huyện Ba Tơ. Địa danh này gắn với huyền tích hai chị em ra vực tắm, cô em bị cá sấu nuốt, cô chị quyết trả thù cho em bằng cách về làm thịt trâu, lấy thịt trâu làm mồi câu cá sấu, giết cá và lấy xác em ra, từ đó có tên thác như vậy. 
 
Sách chữ Hán Phủ Man tạp lục của Nguyễn Tấn thế kỷ XIX chú ý đến thác và vực này, dịch tên thác sang chữ Hán là Tỷ Muội (chị em) và ghi: “Thác này ở thượng lưu sông Bôn, phía đông chân núi Cao Muôn, thường gọi là Thác Chị Thác Em; toàn là đá nằm la liệt trong nước; mùa xuân, mùa hạ người ta có thể vượt thác, nhưng mùa thu, mùa đông thì không thể”. 
 
Thác Lũng Ồ ở xã Ba Thành ngày nay là nói theo tiếng phổ thông (tiếng nước đổ vào chỗ sâu nghe ồ ồ), còn trong tiếng Hrê thì gọilà Cơi Cha-vông, nghĩa là thác vang dội.
 

 

CAO CHƯ
 

.