(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây hơn 400 năm, những người Việt đầu tiên ra khai phá đảo Lý Sơn. Từ đó đến nay, các dòng họ trên đảo luôn thể hiện sự tri ân các bậc tiền nhân.
[links()]
Ghi nhớ công lao các bậc tiền nhân
Hiện nay, tại 2 di tích cấp quốc gia là đình làng An Hải và đình làng An Vĩnh có 2 ngôi đền thờ các vị tiên công - những người đầu tiên khai phá đất đảo Cù Lao Ré. Ngôi đền tiên công ở đình An Hải thờ thất tộc, đền tiên công ở khu đình làng An Vĩnh thờ lục tộc.
Đình làng An Vĩnh (Lý Sơn). Ảnh: Đăng Vũ |
Thường ở các đình làng, ngoài ban thờ chính là Thành hoàng làng (có khi là Tam phủ), trong đình có các ban thờ tiền hiền, hậu hiền, tiền vãng, hậu vãng, tức không có đền thờ tiên công (tiền hiền) riêng. Hai đình làng Lý Sơn cũng đầy đủ các ban thờ như vậy, nhưng lại thêm 2 đền thờ tiên công, chứng tỏ người Lý Sơn đặc biệt coi trọng các bậc tiền nhân. Ngoài đền thờ chung các vị tiên công của làng, các dinh, miếu của xóm, của lân, thì trong mỗi tộc họ, không phân biệt dòng họ tiền hiền hay hậu hiền, đều có nhà thờ thờ các vị thuỷ tổ, cũng như người đã quá vãng của dòng họ. Mặc dù trải qua bao biến động của thời cuộc và sự khắc nghiệt của thiên tai, nhưng đến nay, có lẽ khó có nơi nào còn lại những nhà thờ có kiến trúc cổ xưa, được xây dựng cách đây hàng trăm năm như các nhà thờ họ trên đất đảo Lý Sơn, đó là nhà thờ họ Võ, họ Lê, họ Phạm (Văn), họ Đỗ (An Vĩnh), họ Dương, họ Trần, họ Nguyễn (An Hải)...
Chăm lo tế tự
Việc xây dựng đình làng, đền thờ tiên công hay nhà thờ của các tộc họ đều do sự đóng góp tự nguyện của các dòng họ, bằng đất hương hoả, tiền bạc hay bằng công sức. Nhiều tài liệu Hán Nôm mà chúng tôi sưu tầm được trên đất đảo Lý Sơn đã minh chứng cho điều đó.
Tại nhà thờ họ Dương làng An Hải còn lưu một tài liệu được viết cách đây gần 250 năm, vào ngày 12 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ 42 (1781), các viên chức cùng toàn thể bổn tộc các dòng họ phường An Hải kê biên về các khoảnh đất đai mà tổ tiên họ đã khai phá trên xứ Cù Lao Ré, trong đó có ghi rõ những phần đất trồng cỏ, đất phù sa để lại thay phiên canh tác lo việc giỗ chạp hằng năm. Cũng tại nhà thờ này, còn có bản ghi chép vào ngày 10 tháng 5 năm Minh Mạng thứ 12 (1831) về việc lo yến tiệc, xây dựng nhà thờ, soạn bản phó ý, phân định đóng góp quan tiền cho các phái nam lẫn phái nữ.
Tại nhà thờ họ Võ Văn (An Vĩnh) cũng còn nhiều tài liệu nói về việc lập lương bằng để lo tế tự tổ tiên. Vào ngày 12 tháng 10 năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), bổn tộc họ Võ hội họp làm lễ cao tổ tỷ tại nhà trưởng tộc để bàn và ấn định làm lương bằng để lo việc phụng thờ và còn quy định đến các ngày 29 tháng 9, 20 tháng 10 hằng năm, phải đem số tiền là 10 quan, 13 mạch để lo làm giỗ chạp, với mong muốn "đời đời con cháu về sau nối truyền". Vào năm Bảo Đại thứ 9 (1933), bổn tộc họ Võ Văn còn có văn bản hiến tặng ngôi nhà ở của một người trong họ để làm nhà thờ gia tộc.
Trên đây chỉ là liệt kê vài tư liệu đã có từ hằng trăm năm trước còn trên đất đảo Lý Sơn. Trong quá trình điền dã, chúng tôi còn tìm thấy hàng nghìn trang tài liệu Hán Nôm trong các nhà thờ của các dòng họ, như các tài liệu nói về việc phân chia ruộng đất hương hỏa vào các năm Cảnh Hưng thứ 33 (1673), Cảnh Hưng 41 (1681), tờ đồng thuận phân chia ruộng đất hương hỏa trong bổn tộc vào năm Gia Long 15 (1816), tờ kê thu hoa lợi ruộng đất hương hỏa năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), tờ đồng thuận bán một phần ruộng hương hỏa để quy lo việc tế lễ vào năm Thiệu Trị 3 (1843)... Việc thờ cúng tổ tiên của người dân Lý Sơn thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", được các thế hệ người dân trên đảo gìn giữ qua hàng trăm năm.
NGUYỄN ĐĂNG VŨ