(Báo Quảng Ngãi)- Những gò bồi ven sông là một phần hợp nên sinh cảnh của dòng sông Trà Khúc. Hình ảnh đó đã đi vào lòng người Quảng Ngãi với niềm thương nhớ về dòng sông quê thơ mộng.
[links()]
Sông Trà Khúc phát nguồn từ cao nguyên Đắc Tơ Rôn, có đỉnh núi cao 2.350m, được hợp nước của bốn con sông sông Rhe (Hre), Xà Lò (Đak Xà Lò), Rin (Dak Krin) và sông Tang (Dak Ong). Từ ngã tư Ly Lang, sông có tên là Trà Khúc và chảy xuôi theo hướng tây - đông hơn 130km, rồi đổ ra cửa Đại Cổ Lũy.
Hồn quê trên sông Trà
Do đặc điểm địa hình, dòng sông ngắn, có sự chênh lệch khá lớn về độ cao giữa vùng núi rừng và cửa sông, nên lưu tốc dòng chảy từ thượng nguồn về trung lưu rất mạnh, đặc biệt là về mùa mưa, xảy ra hiện tượng bào mòn lòng sông và xói lở hai bên bờ sông Trà Khúc. Mặt khác, lượng mưa hằng năm tập trung chủ yếu trong khoảng thời gian chỉ chừng hơn 2 tháng của mùa mưa, do tác động của những cơn mưa lớn và liên tục, nước từ các khe, suối, sông con, mạch ngầm thường xuyên gây ra những vụ sạt lở núi, cuốn đất, đá, cát, mùn, thực vật gãy đổ, trôi theo dòng nước đục ngầu ra dòng chính của con sông, rồi cuốn về phía hạ lưu.
Núi Ấn - sông Trà. Ảnh: H.K |
Có câu ca dao của người dân đôi bờ phía hạ lưu: “Gái Thanh Khiết chuyên nghề cải giá/ Trai Sung Tích chuyên dạ kén dâu". Đây là chuyện chơi chữ để trêu ghẹo nhau của trai gái 2 làng ven sông đối diện. Từ "cải giá" ở đây vừa chỉ nghề làm giá đỗ và trồng rau cải nổi tiếng của vùng Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà, bờ nam sông Trà; vừa đồng âm với từ "cải giá", tiếng Hán Việt nghĩa là "lấy chồng khác". Còn "kén dâu" vừa chỉ nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống của làng Sung Tích, xã Tịnh Long, bờ bắc sông Trà, vừa có nghĩa là kén chọn con dâu.
Cồn cát trên sông Trà Khúc. Ảnh: H.K |
Phong cảnh hữu tình
Từ thượng nguồn về đến biển, các cồn bãi ven sông và giữa sông Trà Khúc hình thành nhiều cảnh đẹp hữu tình, hài hoà sông nước, cây cối, làng mạc, ruộng đồng như Hải Giá, xã Sơn Thượng; Xà Nay Thượng, xã Sơn Nham (Sơn Hà); An Thọ, xã Tịnh Sơn; bến Ngân Giang, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh); bãi Bói, xã Nghĩa Thắng; bến đò ông Bẻo, xã Nghĩa Kỳ (Tư nghĩa); xóm Lân, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi)... Những gò bồi, bãi bồi dọc theo sông là một hợp phần của sinh cảnh sông nước, tạo nên sự đa dạng của cảnh quan và môi sinh ở lưu vực sông Trà Khúc.
Ngày nay, đi trên những chiếc cầu bắc qua sông Trà Khúc, không khó để nhận ra những cồn bồi với những đám lau sậy hoang vu, bạt ngàn, hoa nở trắng phau phơi mình trong làn gió dịu nhẹ, hoặc những bãi bồi đã được người dân tỉa bắp, tỉa đậu phụng ngời lên màu xanh ngút mắt. Trong ký ức của những cư dân ven sông Trà Khúc một thời chưa xa, sông Cùng và gò Một là hình ảnh rất nên thơ ở vùng trung lưu sông Trà Khúc. Sông Cùng nằm về phía Tư Nghĩa, chạy từ An Lạc Bắc về Xuân Phổ, thuộc xã Nghĩa Kỳ. Thực ra đây là một lạch nước của sông Trà Khúc, ăn sâu vào bãi bồi ở hữu ngạn, cách mép nước vào mùa khô chừng nửa cây số, đổ xuôi về hướng đông, chạy song song với dòng sông chính chừng non cây số trước khi tắt dòng.
Ranh giới giữa sông Cùng và sông chính là một dải sa bồi mọc đầy cỏ bói. Mùa đông, nước dâng cao, sông nhập vào dòng chính. Vào mùa hè, sông Cùng hiện ra trong một thảm xanh nhiều cung bậc. Những vạt rau muống xanh mượt mọc từ bờ lạch bò lan ra mép nước. Trên bờ là màu xanh sậm của cỏ bói, màu xanh ngả sang tím nhạt của những liếp cây bã đậu cao khuất đầu người. Rồi đồng dâu mơn mởn, ruộng mía ngả mơ vàng. Xanh nước, xanh trời, hoà cùng màu xanh cây cỏ, nhìn tựa một bức tranh sơn thuỷ hữu tình.
Bãi Màu - Một bãi bồi ở thượng nguồn sông Trà Khúc thuộc xã Sơn Mùa (Sơn Tây). Ảnh: H.K |
Trận lụt lớn năm Giáp Thìn (1964) cuốn trôi gò Một gần hết, nhưng lại bồi lắng phần lớn sông Cùng. Tiếp đến là trận lụt lớn năm Tân Hợi (1971), phần còn lại của gò Một không còn, sông Cùng cũng coi như xoá sổ. Thắng cảnh "Hà Nhai vãn độ" rơi vào quên lãng, vì trên thực địa không còn.
Mấy năm trở lại đây, phía bên tả ngạn, đoạn bờ sông từ bến đò Ngân Giang về bến đò Thọ Lộc đã có bờ kè. Dải đất bồi ven sông lại hình thành. Người dân tỉa đậu, tỉa bắp, trồng dưa hấu. Màu xanh đã phủ dần lên hoang vu bến cũ. Hình ảnh của một thắng cảnh từng làm say lòng nhiều tao nhân mặc khách thuở chưa xa, nay thấp thoáng hiện về.
LÊ HỒNG KHÁNH