Miếu Bà Kỳ Tân: Nơi cố kết cộng đồng

03:11, 08/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Miếu Bà Kỳ Tân tọa lạc ở thôn Kỳ Tân, xã Đức Lợi (Mộ Đức) có niên đại gần 300 năm. Trải qua bao thăng trầm với thời gian cùng biến cố lịch sử nhưng miếu Bà Kỳ Tân vẫn uy nghi, sừng sững với kiến trúc nghệ thuật đặc sắc ,mang đậm dấu ấn của người Việt xưa.

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi về miếu Bà Kỳ Tân đúng vào dịp người dân xã Đức Lợi tổ chức Lễ hội Kỳ Yên (ngày 20.9 Âm lịch-PV). “Đây là đại lễ của người dân xã Đức Lợi. Là dịp để các tầng lớp nhân dân tỏ lòng tôn kính đến các vị nữ thần, chư vị thần linh, các vị tiên công… và nguyện cầu thần linh phù hộ, độ trì cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng bội thu, nhân dân ấm no, hạnh phúc”, ông Đinh Văn Hùng - Chủ bái Ban Tế tự miếu Bà Kỳ Tân giải thích. So với lễ vía Bà được tổ chức vào 14.7 Âm lịch thì lễ hội Kỳ Yên có quy mô lớn hơn, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài xã. Chiều trước ngày đại lễ, nhân dân xã Đức Lợi còn tổ chức lễ nghinh Ông (hay gọi là lễ rước thần Nam Hải) về miếu Bà để hành lễ Kỳ Yên. “Phong tục này gắn liền với ngư dân, những người có niềm tin mãnh liệt vào sự phù trợ của Ông mỗi khi hành nghề nơi biển giả”, ông Hùng lý giải.  

 

  Miếu Bà Kỳ Tân.
Miếu Bà Kỳ Tân.


Qua lời kể của những bậc cao niên trong xã cùng tài liệu lịch sử còn lưu lại thì, miếu Bà Kỳ Tân là nơi thờ cúng bà Thiên Y A Na Diễn đàn Chúa Ngọc, Bạch Thố dàn Thần Kim tinh chúa động và Thượng giới ngũ hành Phổ đà Quan Âm Phật cùng các vị tiên công, những người có công khai lập làng, xã.

 

Với những giá trị đặc trưng, miếu Bà Kỳ Tân thuộc xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi ra Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh (Quyết định số 581/QĐ-UBND ngày 18.4.2014), nhằm gìn giữ, phát huy các giá trị của di tích này.

Trải qua thăng trầm thời gian cùng biến thiên lịch sử, nhiều hạng mục của miếu Bà Kỳ Tân đã bị hư hỏng, xuống cấp nhưng phần lớn công trình vẫn giữ được gần như nguyên trạng những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo, nhất là nghệ thuật trang trí đắp nổi long, lân, quy, phụng cũng như những hình tượng, họa tiết, kết cấu kiến trúc. Giá trị nhất là nơi đây còn lưu giữ nhiều tài liệu Hán văn quý hiếm cùng 5 Hàm Ân thần vị nguyên bản.

Cùng với những giá trị nghệ thuật, miếu Bà Kỳ Tân là nơi thể hiện đậm nét tâm linh, tín ngưỡng mang tính cố kết cộng đồng của người dân thông qua việc tổ chức lễ hội, công tác quản lý, tôn tạo và trùng tu. Điều đáng mừng là miếu Bà Kỳ Tân không rơi vào cảnh quạnh hiu như một số di tích cấp tỉnh khác, mà được chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm bảo vệ, góp sức giữ gìn. Đặc biệt là năm 2006, miếu Bà Kỳ Tân đã được đại trùng tu từ nguồn kinh phí xã hội hóa nên công trình khá kiên cố, vững chắc, cảnh quan xung quanh thoáng mát, sạch đẹp. Thế nên những năm gần đây, địa điểm này ngày càng thu hút đông du khách các nơi tìm đến tham quan, chiêm bái. “Không có điều kiện nên hằng năm, tôi chỉ về miếu Bà vào dịp Đại lễ Kỳ Yên để thắp cho Bà nén nhang thơm. Nguyện cầu Bà phù hộ gia đình được ấm no, hạnh phúc”, bà Trần Thị Hái, thôn 3, xã Đức Tân (Mộ Đức) cho hay.

Một trong 5 Hàm Ân thần vị còn lưu giữ tại Miếu Bà Kỳ Tân.
Một trong 5 Hàm Ân thần vị còn lưu giữ tại Miếu Bà Kỳ Tân.


Với những giá trị đặc trưng về tín ngưỡng, tâm linh, nghệ thuật, miếu Bà Kỳ Tân chắc hẳn sẽ không chỉ là “điểm tựa tinh thần” của riêng người dân xã Đức Lợi, mà là dành cho những ai đã từng đến và bắt gặp lời tâm nguyện dung dị, đời thường. “Nhờ nén tâm hương gửi đến Bà/Hương thơm lan tỏa khắp gần xa/Cứu nhân độ thế người đâu thấy/Hạnh phúc trong ta đó mới là...”.
                   

Bài, ảnh: MỸ HOA


 


CÁC TIN KHÁC
.