Núi Lớn - Chiến khu xưa oai hùng

08:09, 29/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Núi Lớn thuộc xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) là vùng chiến khu oai hùng của Đại đội Hoàng Hoa Thám (thuộc Đội du kích Ba Tơ). Những câu chuyện một thời anh hùng  dưới tán rừng chiến khu đã được nhiều thế hệ ghi nhớ và kể cho nhau nghe đến hôm nay.  

Sau khi giành chính quyền ở châu lỵ Ba Tơ, Đội du kích Ba Tơ được thành lập, tổ chức tuyên thệ “Hy sinh vì Tổ quốc” rồi tiến về núi Cao Muôn để phát triển lực lượng. Lúc bấy giờ, theo yêu cầu của cách mạng, đội du kích tiến về trung châu, thành lập Đại đội Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám. Vùng Núi Lớn trở thành chiến khu của Đại đội Hoàng Hoa Thám.

Ký ức mùa thu...

Cứ mỗi mùa thu về, Chủ tịch Hội tù yêu nước xã Hành Tín Đông Huỳnh Tứ (84 tuổi) lại nhớ về những ngày thu xưa. Ngày đó, cách đây tròn 70 năm ông cùng với 2 thiếu sinh quân khác được phân công làm nhiệm vụ trinh sát cho một trung đội của Đại đội Hoàng Hoa Thám tiến về đồng bằng đánh chiếm huyện lỵ Nghĩa Hành rồi hướng về tỉnh lỵ Quảng Ngãi. Ông bồi hồi, kể: “Ngày đó, tuyến đường 624 bây giờ là đường mòn, nhưng quân tiến về đồng bằng  khí thế lắm. Cờ bay rợp trời. Đoàn đi đến đâu, dân làng ra đón chào hai bên đường như ngày hội”.

Đập Suối Chí nằm dưới chân núi Lớn là địa điểm luôn hấp dẫn nhiều người đến tham quan.
Đập Suối Chí nằm dưới chân núi Lớn là địa điểm luôn hấp dẫn nhiều người đến tham quan.


Khi đội du kích Ba Tơ về lập chiến khu Núi Lớn, nhiều thanh niên ở Hành Tín Đông đã tham gia đội du kích. Họ lấy cây rừng làm lán trại, chọn vùng Gò Rộng, Gò Sim, Gò Đồi để tập luyện quân sự, đội hình, đội ngũ. Những ngày trên Núi Lớn, mặc dù khó khăn gian khổ thật nhiều, nhưng các đội viên của Đại đội Hoàng Hoa Thám luôn sát cánh bên nhau. Họ cùng nhau tập luyện và mong có ngày tiến về đồng bằng khởi nghĩa.

Dưới tán rừng Núi Lớn, đội quân du kích Ba Tơ còn thành lập một xưởng rèn để rèn gươm,  giáo mác trang bị cho các đội viên du kích.

Bây giờ ở chiến khu xưa

Theo hướng dẫn của ông Tứ, chúng tôi trở lại chiến khu xưa. Từ Tỉnh lộ 624 ngược đường bê tông về hướng đông, đi chừng vài trăm mét thì đập suối Chí hiện ra. Anh Phạm Văn Chung phụ trách lĩnh vực nông lâm nghiệp xã Hành Tín Đông cho hay, con đường này mới được bê tông để dễ dàng trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ vùng di tích lịch sử. Theo con đường này, đi thêm chừng một kilômét, chúng tôi đến khu vực xưởng rèn của công binh thuộc Đại đội Hoàng Hoa Thám. Xưởng rèn xưa nằm bên dòng suối Chí có những tảng đá hình thù khác nhau. Có tảng khuyết sâu hình thù như cối đá. Anh Chung bảo cha anh từng kể những tảng đá này ngày xưa được các chú, các bác tận dụng để mài, giũa gươm, giáo, làm cối đá để giã gạo nuôi quân nên đá mới mòn nhẵn, láng bóng vậy...

Nhìn dòng suối trong xanh và núi Lớn cao vút, xanh bạt ngàn tiếp giáp với hai huyện Mộ Đức và Đức Phổ, anh Chung bảo: Nước nơi đây không bao giờ cạn, cũng nhờ rừng xanh mang lại. Nói rồi anh đưa tay chỉ về những mảng cây xanh có giá trị như chò, sến, ké... và cả những cây lâm sản phụ như ươi, dầu rái... đan xen phủ kín cánh rừng. Anh Chung nói: Rừng vẫn còn nguyên vẹn. Có nhiều cây to cả người ôm. Cũng nhờ rừng Núi Lớn còn nguyên nên bà con luôn có nguồn thu nhập. Mùa ươi về, có nhà thu được hàng triệu đồng. Hết mùa ươi, bà con thu hoạch mật ong, lá nón, dầu rái, mây quanh năm... Đây được xem như "nồi cơm" của dân làng.

Năm 2006, thông qua nguồn kinh phí tài trợ của Cộng hòa Liên bang Đức, dự án bảo vệ rừng cộng đồng thôn Khánh Giang – Trường Lệ, với diện tích hơn 1.000ha được hình thành và vùng Núi Lớn được bảo vệ chu đáo hơn. Cũng nhờ rừng được bảo vệ, nguồn nước đập Suối Chí khá dồi dào. Hằng năm tưới đều cho hơn 100ha ở các cánh đồng quanh khu vực sản xuất hai vụ ăn chắc.

Ông Đào Thanh Công – Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông, cho hay: Núi Lớn là di tích lịch sử gắn liền với Đội du kích Ba Tơ, nên nhiều năm nay xã tập trung bảo vệ, đề xuất với cấp trên làm đường bê tông vào khu vực dưới chân núi Lớn, triển khai trồng cây xanh ở hai bên đường. Tuy vậy, đây là vùng chiến khu, vùng di tích lịch sử cách mạng nên cấp trên cần quan tâm xây dựng bia di tích để cho các thế hệ sau hiểu rõ hơn về lịch sử của vùng chiến khu xưa.

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


CÁC TIN KHÁC
.