Bờ Đắp, dấu ấn một công trình thủy lợi ven biển

09:06, 27/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bờ Đắp, tên gọi dân gian một công trình ngăn mặn của người dân vùng Tịnh Khê, Tịnh Hòa từ xưa, nay có tên đập Khê Hòa (TP.Quảng Ngãi), còn là tuyến giao thông đường bộ quan trọng trong vùng. Trải qua năm tháng, Bờ Đắp trở thành một địa danh lưu dấu công sức con người và phong cảnh thiên nhiên hòa quyện ruộng đồng, sông nước rất đổi nên thơ.

Khi chưa có đập nước này thì cả một vùng rộng lớn các xã Tịnh Khê, Tịnh Hòa có khi lên đến Tịnh Thiện ruộng đồng ngập mặn, không thể canh tác nông nghiệp được. Cả cánh đồng chỉ toàn cây lác làm chiếu, bần, đước và nhiều loại cây dại chịu mặn khác. Đời sống người dân chủ yếu chài lưới, đánh bắt cá tôm… Canh tác nông nghiệp chỉ dựa vào nước trong hóc núi, nước trời, lương thực quanh năm thiếu thốn. Địa hình nơi đây in dấu rất rõ biển ăn sâu vào đất liền, để lại dấu tích là sông Diêm Điền cùng với những đồng trũng, đầm nước dọc theo sông.

  Phía biển của đập Khê Hòa (Bờ Đắp) hôm nay.
Phía biển của đập Khê Hòa (Bờ Đắp) hôm nay.


Ngày ấy phương tiện giao thông giữa các xóm làng lân cận nhau chủ yếu là ghe thuyền. Theo ông Nguyễn Lân (người địa phương thường gọi Mười Lân), nguyên Bí thư xã Tịnh Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Tịnh, nay đã 80 tuổi và một số người ở Tịnh Khê cho biết, đập được đắp từ thời thuộc Pháp do yêu cầu của người dân địa phương. Dân hai xã đã lao động miệt mài trong nhiều tháng, khiêng gánh vận chuyển đất từ đồi gò đến đắp đập. Bờ đập có hệ thống cống ngăn nước mặn và xả lũ khi mưa lớn.

 Kể từ khi đắp được đập, nước mặn không tràn vào đất liền, người dân chặt phá bần, đước, cải tạo ruộng lác để hình thành ruộng cấy lúa. Từ đó lương thực có khá hơn, đời sống người dân bớt kham khổ. Thế nhưng, với sự cố gắng đó ruộng cũng chỉ canh tác được một vụ đông xuân nhờ nguồn nước ngọt mùa mưa còn lại. Xong vụ gặt tháng ba thì ruộng phải bỏ hoang suốt mùa nắng vì không có nước tưới. Suốt thời gian dài nhiều năm như thế, mãi đến Cách mạng tháng Tám thành công, năm 1948 ông Nguyễn Cát, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Sơn Tịnh đã chỉ huy đào kênh dẫn nước sông Trà từ cửa khẩu Ngân Giang (Tịnh Hà) về tưới ruộng đất các xã Tịnh Hà, Tịnh Ấn, Tịnh Thiện, Tịnh Khê, Tịnh Hòa, Bình Châu…Bờ Đắp phát huy vai trò giữ ngọt, ngăn mặn, chuyển hàng trăm hecta ruộng lúa một vụ thành hai vụ. Đồng Khê Xuân sát trên bờ đập lúa tốt tươi, đem về no ấm cho người dân bản xứ.

Tuy Bờ Đắp giai đoạn trước chỉ là bờ đất nhưng thành tuyến đường giao thông quan trọng, không chỉ nối liền hai xã Tịnh Khê, Tịnh Hòa mà còn chạy dài đến Bình Châu (Bình Sơn). Bờ Đắp trở thành một địa danh thân thuộc để người ta bảo nhau như đi chợ Bờ Đắp, bên kia Bờ Đắp, lấy vợ quê Bờ Đắp…

Trong chiến tranh chống Mỹ, khu vực này liên tục bị bom đạn cày xới, xóm làng hoang vắng, Bờ Đắp bị sạt lở không người tu sửa, ruộng đồng ngập mặn bỏ hoang. Đến sau ngày thống nhất đất nước, Nhà nước tăng cường đầu tư cho những vùng kinh tế khó khăn, những nơi bị chiến tranh tàn phá. UBND tỉnh và huyện Sơn Tịnh cho huy động toàn lực đắp đập Khê Hòa (Bờ Đắp) để ngăn nước mặn, giữ nước ngọt, về sau đập được bê tông  kiên cố, có hệ thống cống xả hoàn chỉnh. Đập thuộc diện đập tràn với chiều dài hơn nửa cây số, rộng khoảng 6m, chính thức trở thành một phần của tuyến đường xung yếu từ Bình Châu lên Tịnh Hòa, Mỹ Khê và TP.Quảng Ngãi. Cho đến bây giờ, dù tên Bờ Đắp hay đập Khê Hòa gì đi nữa, nhưng giá trị to lớn về các lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, giao thông, văn hóa trong cả một khu vực luôn được phát huy cùng với vẻ đẹp nên thơ của một công trình thủy lợi bên ruộng đồng, bên biển mặn!


   Bài, ảnh: Bùi Văn Tạo


 


CÁC TIN KHÁC
.