Nhân vật Quảng Ngãi: Huỳnh Công Chế

03:07, 20/07/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Huỳnh Công Chế sinh trưởng vào khoảng nửa sau thế kỷ XV, người xã Phúc Ứng, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam, nay thuộc huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.

TIN LIÊN QUAN

Năm 1471, ông cùng người đồng hương là Trần Văn Đạt tham gia cuộc hành quân Nam chinh của vua Lê Thánh Tông, có mặt trong nhiều trận đánh ở vùng Cổ Lũy (nay là đất Quảng Ngãi) và Đồ Bàn (nay là đất Bình Định). Cuộc Nam chinh thắng lợi, trước khi rút đại quân về Bắc, vua Lê Thánh Tông ra lệnh tổ chức bộ máy cai quản ở vùng đất mới, thành lập đạo thừa tuyên Quảng Nam (nay là vùng đất thuộc thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) đồng thời lưu lại một lực lượng quan quân cần thiết để cùng với cư dân Việt từ phía Bắc được khuyến khích di cư có tổ chức vào sau đó, khai phá vùng đất mới, ổn định biên giới phương Nam.

 

Gian thờ Huỳnh Công Chế
Gian thờ Huỳnh Công Chế.


Huỳnh Công Chế và Trần Văn Đạt nằm trong số các quan quân Nam chinh được giao nhiệm vụ lưu lại vùng Mộ Hoa (Mộ Đức) để mở rộng đồng điền, quy dân lập ấp. Tuân mệnh triều đình, hai ông đã đưa bà con họ tộc vùng Sơn Nam và chiêu mộ lưu dân, khai khẩn đất hoang, dựng nhà, lập trại, hình thành các thôn, trại thuộc xã Vạn Phước. Theo khai báo của chức việc xã Vạn Phước, diện tích đất đai do hai ông khai phá và được quan trên chấp thuận (theo địa bạ) lên đến gần 1.500 mẫu ta. Hầu hết số ruộng đất này phân bố trên địa bàn xã Đức Hòa và một phần thuộc xã Đức Phú, huyện Mộ Đức ngày nay.

Tiếp tục sự nghiệp khẩn hoang mở đất của tiền nhân, cháu 4 đời của Trần Văn Đạt là Trần Văn Thiết cùng cháu 5 đời của Huỳnh Công Chế là Huỳnh Trung Thuế chiêu tập thêm dân binh, khai khẩn thêm ruộng đất, hình thành xã Vạn Phước Đông có diện tích ruộng đất công tư điền lên đến gần 1.000 mẫu ta.

Năm Ất Hợi - 1695, đời vua Lê Hy Tông, 2 xã Vạn Phước và Vạn Phước Đông hợp lực dựng nên một ngôi đình và một ngôi chùa để thờ thần, phật, đồng thời làm nơi sinh hoạt chung của cộng đồng.

Cùng với việc khẩn hoang ruộng đất, Huỳnh Công Chế tổ chức cho người dân đắp đập, đào kênh để lấy nước sông Thoa tưới mát ruộng đồng, xả phèn rửa mặn, khiến hoa lợi của người trồng trọt không ngừng tăng lên. Ngoài ra, ông còn  khuyến khích chăn nuôi, phát triển nhiều nghề thủ công, mở mang đường sá, chợ búa.

 

 Mộ Huỳnh Công Chế
Mộ Huỳnh Công Chế


Khi Huỳnh Công Chế qua đời, di hài ông được an táng tại cánh đồng Phước Luông. Không lâu sau đó, con cháu và người dân địa phương cũng lập miếu thờ ông ở cánh đồng Phước Xã. Cánh đồng Phước Luông, nay nằm trong địa phận thôn Phước Luông; cánh đồng Phước Xã nay nằm trong địa phận thôn Phước Xã, cùng thuộc xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức.

Năm Khải Định thứ 4 (1919), triều đình ban sắc truy phong cho Huỳnh Công Chế tước “Dực bảo Trung hưng Linh phù tôn thần”, chuẩn cho dân làng sở tại thờ phụng, tế lễ theo nghi thức quy định của triều đình. Người dân trong vùng trọng vọng Huỳnh Công Chế, xưng tôn tên ông là “Tiền hiền Huỳnh Công Chế đại lang”.

Miếu thờ và mộ Huỳnh Công Chế đã được nhiều lần trùng tu, lần gần đây nhất là vào năm 2007.  

Họ Huỳnh, trong tên họ của Huỳnh Công Chế có lẽ là cách gọi của nhiều đời về sau. Ở Đàng Trong, lệ kỵ húy (bất thành văn), phát âm “Hoàng” thành “Huỳnh” (tuy cùng một con chữ Hán tự) chỉ có thể xuất hiện từ sau khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525- 1613) qua đời, trong khi Huỳnh Công Chế sống vào cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, thuộc thế hệ tiền bối của Nguyễn Hoàng, nên không thể có chuyện vì kỵ húy tên nhà chúa mà đọc chệch tên ông lúc sinh thời.

Chữ “Công” trong tên đệm của ông cũng có thể là cách người đời sau thêm vào trước tên húy để tỏ lòng kính trọng, tương tự như trường hợp của Trương Định- Trương Công Định (1820- 1864), Phan Ngọc Tòng- Phan Công Tòng (1818- 1868), Hoàng Thiệu - Huỳnh Công Thiệu (1818- ?)...

Lúc mới hình thành (thời nhà Hồ), huyện Mộ Đức có tên là Khê Cẩm, đến đời nhà Lê đổi là Mộ Hoa. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), thời nhà Nguyễn, vì kỵ tên húy bà Hồ Thị Hoa (vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị), nên đổi thành Mộ Đức.

Thời nhà Lê, Vạn Phước và Đông Phước cùng thuộc tổng Thượng, phủ Mộ Hoa; đến thời Nguyễn thuộc tổng Quy Đức, huyện Mộ Đức.

Huỳnh Công Chế là một vị quan tài giỏi, trên tuân phục phép vua, dưới nặng lòng vì bách tính, vừa nhìn xa, trông rộng, vừa đức độ, khoan hòa, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp khẩn hoang, lập ấp trên vùng đất Quảng Ngãi. Ông xứng đáng được dân chúng tri ân; người chăm dân đời sau lấy đó làm gương hành xử.
                                                                
Lê Hồng Khánh
 

*Đón đọc kỳ đến: Trương Văn Để (1837- 1885)
 

CÁC TIN KHÁC
.