Nhân vật Quảng Ngãi:
Phạm Cao Chẩm (1872 - 1918)

03:05, 26/05/2013
.

 Chân dung phạm Cao Chẩm.
Chân dung phạm Cao Chẩm.

(QNĐT)- Phạm Cao Chẩm sinh năm Nhâm Thân -1872 tại xóm Trại, làng Xuân Phổ, nay thuộc thôn Xuân Phổ Tây, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN
Phạm Cao Chẩm đỗ tú tài Hán học, nên thường được gọi là Tú Chẩm. Ông là người cùng chí hướng và là bạn tâm giao của các ông tú tài Hán học nổi tiếng ở Quảng Ngãi: Lê Ngung (? – 1916), Trần Kỳ Phong (1872 – 1941), Nguyễn Tuyên…

Những năm 1905 -1906, Phạm Cao chẩm cùng Cử Cẩn (Lê Đình Cẩn), Phạm Cao Đài, Lê Ngung, Bố Khiết (Lê Tựu Khiết),... hưởng ứng phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ, khởi xướng thành lập Duy Tân hội Quảng Ngãi, do Lê Đình Cẩn đứng đầu.

Duy Tân hội Quảng Ngãi phát động mạnh mẽ phong trào cải cách xã hội theo phương châm “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, khơi gợi tình cảm yêu nước, ngấm ngầm nuôi dưỡng ý chí kháng Pháp, thổi luồng gió mới vào phong trào đấu tranh của nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, được giới trí thức và đông đảo nhân dân hưởng ứng nhiệt thành.

Năm 1907, nhóm “Đông Kinh nghĩa thục” hoạt động mạnh ở Hà Nội, gây được tiếng vang trong cả nước, thu hút sự chú ý của giới trí thức ái quốc. Phạm Cao Chẩm cùng Từ Hữu Lập được Duy Tân hội Quảng Ngãi cử ra Hà Nội tiếp xúc và trao đổi với các yếu nhân của Đông Kinh Nghĩa Thục (Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ, Hoàng tăng Bí…) để trao đổi, tìm hiểu và học tập kinh nghiệm, đặc biệt là về lĩnh vực giáo dục cộng đồng và cổ vũ quần chúng. Khi trở về,  ông và Từ Hữu Lập mang theo nhiều tài liệu của Đông Kinh Nghĩa Thục, rồi nghiên cứu và biên soạn lại để in ấn phổ biến, cổ động cho phong trào Duy Tân tỉnh nhà.

Năm 1908, phong trào Kháng thuế - Cự sưu bùng lên mạnh mẽ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và các tỉnh Trung Kỳ. Ở Quảng Ngãi, khi phong trào có dấu hiệu chuyển sang bạo động, các nhà Duy Tân, trong đó có Phạm Cao Chẩm, đã dũng cảm “đứng mũi chịu sào”, trực tiếp hướng dẫn người dân tranh đấu, đồng thời đại diện cho “lục phủ huyện dân” (dân chúng 6 phủ, huyện của tỉnh) đối mặt thương thảo với thực dân và phong kiến tay sai.

Phong trào Kháng thuế - Cự sưu ở Trung Kỳ bị đàn áp đẫm máu. Nguyễn Bá Loan, Lê Khiết, Phạm Mỹ bị xử tử. Trần Kỳ Phong, Nguyễn Sụy (Thuỵ), Nguyễn Đình Quản, Nguyễn Tuyên, Phạm Cao Chẩm... bị đày ra Côn Đảo cùng với các nhà yêu nước Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, trong đó có Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện...

Trong tù, mặc cho bọn cai ngục đàn áp, đày ải, Phạm Cao Chẩm và các bạn tù đồng chí hướng vẫn giữ vững chí khí của người yêu nước. Ông thuộc thế hệ các chiến sĩ đầu tiên biến nhà tù thực dân thành nơi học tập tri thức, rèn luyện dũng khí, hun đúc tình cảm yêu nước, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới với quân thù.

 

 Nhà thờ họ Phạm ở thôn Xuân Phổ Tây, xã Nghĩa Kỳ, Tư Nghĩa
Nhà thờ họ Phạm ở thôn Xuân Phổ Tây, xã Nghĩa Kỳ, Tư Nghĩa


Năm 1915, được trả tự do, Phạm Cao Chẩm về lại quê nhà và nhanh chóng tham gia vào cuộc vận động chuẩn bị khởi nghĩa Duy Tân do Việt Nam Quang Phục hội khởi xướng. Ông cùng Lê Ngung, Nguyễn Thụy, Phạm Tuân... là những người được giao trách nhiệm tổ chức khởi nghĩa ở Quảng Ngãi. Âm mưu của các nhà yêu nước bị bại lộ, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp. Lê Ngung, Nguyễn Thụy cùng nhiều sĩ phu khác bị xử chém. Phạm Cao Chẩm bị kết án tù chung thân và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.

Mồng 4 tết Nguyên đán, năm Mậu Ngọ (1918) Tú Chẩm cùng với Nguyễn Trọng Thường (con trai thủ lĩnh Cần Vương ở Hưng Yên là Nguyễn Thiện Thuật – tức Tán Thuật) lãnh đạo những người tù chung thân nổi dậy cướp đảo. Việc lớn bất thành, hai ông bị giặc hành hạ tàn bạo rồi đem ra xử bắn, vùi xác ở nghĩa địa Hàng Keo (Côn Đảo).

Tháng 7/1988, di hài Phạm Cao Chẩm được chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa, Ban liên lạc tù chính trị Quảng Ngãi cùng gia đình đưa về quê nhà, tổ chức cải táng long trọng.

Xuân Phổ là một làng quê trù phú, hiền hoà nằm bên hữu ngạn sông Trà Khúc, nổi tiếng với đồng mía nương dâu quanh năm xanh mượt. Họ Phạm là một trong hai dòng tộc khai phá làng Xuân Phổ, có nhiều người tham gia các phong trào yêu nước - kháng Pháp, được rất nhiều nhân sĩ và đồng bào Trung Kỳ nể trọng, như Phạm Cao Đài, Phạm Cao Đàm...

Sau cách mạng Tháng Tám-1945, có một thời gian xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa đổi tên là xã Phạm Cao Chẩm để tỏ lòng tri ân ông. Hiện nay, ở phía tây thành phố Quảng Ngãi cũng đã có một con đường mang tên Phạm Cao Chẩm.

Phạm Cao Chẩm là một nhà yêu nước, hy sinh vì nghĩa cả. Ông cũng là một nhà canh tân giáo dục theo xu hướng Duy Tân ở Quảng Ngãi đầu thế kỷ XX.

 

Lê Hồng Khánh



*Đón đọc kỳ tới: Trương Đăng Đồ (? – 1802)

 


CÁC TIN KHÁC
.