Ứng phó với dịch tả heo Châu Phi: Không thể lơ là

02:08, 06/08/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh, dịch tả heo Châu Phi (ASF) đã xuất hiện ở 147 thôn, thuộc 56 xã, của 9 huyện, thành phố; 1.049 hộ dân có heo mắc bệnh buộc tiêu hủy, với 7.709 con, tổng trọng lượng gần 390 tấn.
 
Toàn tỉnh đang nỗ lực chống dịch. Tuy nhiên, có địa phương vẫn còn thiếu tập trung trong việc phòng, chống dịch, một số người dân thì vứt heo bị bệnh ra sông, ngoài đường, khiến lực lượng chức năng xử lý rất vất vả. Nếu không rốt ráo xử lý dịch bệnh, thì môi trường sẽ bị ô nhiễm và dịch ASF có nguy cơ lan nhanh hơn nữa.
 Heo chết bị vứt trên sông Thoa (Mộ Đức).               Ảnh: PV
Heo chết bị vứt trên sông Thoa (Mộ Đức). Ảnh: PV
Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô: “Các địa phương phải tổ chức lực lượng xung kích, giúp đỡ người dân khi cần thiết”

Thời gian qua, việc tìm kiếm các vị trí để chôn lấp heo bị ASF theo quy định rất bị động, lúng túng; còn công tác quản lý đàn gia súc trong các khu dân cư không được chặt chẽ, dẫn đến một số heo nhiễm bệnh bị người dân bán đổ, bán tháo, làm tốc độ lây lan dịch nhanh. Hiện nay, ngoài biện pháp đào hố chôn lấp khoảng 1,5m, sau đó phủ bạt, rắc vôi, khử trùng, Bộ NN&PTNT bổ sung thêm biện pháp nữa là thiêu hủy. Tuy nhiên, người dân ở một số địa phương như Nghĩa Hành, Mộ Đức vứt gia súc bị bệnh ra sông ngòi, khiến lực lượng thú y phải rất vất vả tìm cách xử lý.

Theo Bộ NN&PTNT, gia súc nằm trong vùng bị ASF, nhưng xét nghiệm âm tính, thì vẫn được di chuyển đến nơi an toàn để nuôi cách ly, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. Do đó, các địa phương cần tập trung cao độ trong việc quản lý đàn gia súc cả bị dịch lẫn chưa bị dịch; tổ chức lực lượng xung kích, để giúp đỡ người dân khi cần thiết. Ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương phải rà soát, bố trí điểm chôn lấp, để thiêu hủy heo bị ASF đúng quy định.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ngô Hữu Hạ: “Cần làm tốt “5 không” để phòng, chống dịch hiệu quả”

Đó là: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Hơn nữa, người chăn nuôi cần nâng cao ý thức và hợp tác trong việc ứng phó với dịch ASF, cũng như ứng dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học mà ngành chăn nuôi đã chuyển giao. Bởi thời gian qua, dịch ASF bùng phát và lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh mà nguyên nhân chính là do nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi còn chủ quan, lơ là và thiếu trách nhiệm. Nhất là, tình trạng người dân vẫn còn vứt xác heo chết bừa bãi ra môi trường, khiến công tác kiểm soát và ngăn chặn bệnh dịch rất khó khăn.

Ngoài ra, bệnh ASF chưa có vắcxin chích ngừa cũng như không có thuốc đặc hiệu điều trị. Trong khi đó, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, mức độ áp dụng an toàn sinh học còn quá hạn chế, nên việc phòng chống dịch gặp rất nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Vũ Nhân: “Tăng cường hóa chất tiêu độc, khử trùng cho địa phương”

Trên địa bàn huyện có tình trạng người dân lén lút vứt xác heo bệnh ra môi trường, chủ yếu là ở các kênh, mương, sông Thoa và dọc tuyến đường tránh. Do đó, huyện đã cảnh báo người dân, nếu phát hiện, sẽ xử phạt theo Luật Thú y.

 

Bên cạnh đó, huyện đã tiến hành thu gom, tiêu hủy heo chết và liên tục dùng hóa chất Sodium 20% để xử lý môi trường xung quanh. Để ứng phó với dịch ASF hiệu quả hơn, huyện kiến nghị Sở NN&PTNT khẩn trương cấp thêm hóa chất, để thường xuyên tiêu độc, khử trùng môi trường xung quanh các ổ dịch, cũng như những khu vực có nguy cơ cao.
 

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung: “Lập kênh tiếp nhận thông tin, hình ảnh từ người dân”

Trước diễn biến khó lường của dịch ASF, Phòng NN&PTNT huyện đã cho in và phát tờ rơi hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch ASF. Qua nắm tình hình, chúng tôi nhận thấy, các hộ chăn nuôi rất tích cực trong công tác phối hợp với cơ quan chuyên môn để khống chế dịch bệnh. Trên địa bàn huyện cũng chưa ghi nhận tình trạng vứt xác heo chết ra môi trường.

Để hạn chế việc người dân giấu heo dịch và vứt heo chết ra sông, suối, huyện cảnh báo, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng này, thì chính quyền xã phải chịu trách nhiệm. Huyện khuyến khích người dân khi phát hiện heo chết bị vứt ra môi trường, thì gửi hình ảnh trực tiếp cho lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện và các xã, để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh Phạm Hồng Sơn: “Người dân nhắc nhở lẫn nhau để phòng, chống dịch”

Đến ngày 31.7, dịch ASF đã xuất hiện tại 56 hộ chăn nuôi của 19 thôn, ở 8/11 xã của huyện Sơn Tịnh. Trong khi đó, việc ứng phó với dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

 Ngày 1.8, UBND huyện Sơn Tịnh đã tạm ứng hơn 1 nghìn lít hóa chất để thực hiện tiêu độc, khử trùng môi trường. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của huyện sẽ tiếp tục theo dõi và tuyên truyền cho người dân, phối hợp tốt để khống chế dịch hiệu quả. UBND huyện đã chỉ đạo các xã phải theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Đặc biệt là, kêu gọi các trưởng thôn, khu dân cư và các hộ gia đình “giám sát” lẫn nhau. Khi hộ dân nào có heo bị bệnh, thì mọi người giúp đỡ nhau và kịp thời báo cáo với chính quyền, không nên giấu dịch.

Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trà Bồng Đỗ Khắc Phi: “Thành lập đội phản ứng nhanh”

Đến thời điểm này, huyện Trà Bồng ghi nhận 4 ổ dịch tại 4 xã. Khó khăn trong phòng, chống dịch hiện nay là người dân trên địa bàn vẫn còn tập quán nuôi heo thả rông, khiến dịch dễ lây lan và khó kiểm soát. Trước tình hình dịch ASF bùng phát, huyện đã thành lập đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch ASF.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả heo ở các địa phương, đội phản ứng nhanh và các địa phương thành lập các chốt kiểm soát 24/24 giờ tại các cửa ngõ vào huyện. Điều này giúp kiểm soát đầu ra, đầu vào, không để việc vận chuyển heo bệnh vào huyện cũng như heo bệnh từ vùng dịch ra khỏi địa bàn huyện, nhằm phòng chống lây lan dịch ra diện rộng.

Cán bộ Khuyến nông - Thú y UBND thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) Võ Văn Công: “Người dân phòng, chống dịch tốt cũng là tự giúp mình”

Trên địa bàn thị trấn xuất hiện dịch tả heo Châu Phi vào ngày 23.7. Ngay sau đó, người dân đã nhanh chóng báo lên chính quyền địa phương để phối hợp tiêu hủy toàn bộ số heo bị dịch. UBND thị trấn cũng đã thành lập tổ công tác thường xuyên đi tuyên truyền cho người dân về mức độ nguy hiểm của dịch ASF.

 Nắm bắt được những thông tin này, người chăn nuôi đã kịp thời triển khai các biện pháp khử trùng, vệ sinh chuồng trại. Có thể thấy, cùng với chính quyền, người dân cũng đã chung sức chống dịch, nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho chính họ. Nhờ vậy, đến thời điểm này trên địa bàn chưa phát hiện ổ dịch nào mới.

Ông Nguyễn Tẫn, thị trấn sông Vệ (Tư Nghĩa): “Cần xử lý nghiêm những người vứt heo chết ra môi trường”

Thời gian gần đây, một số người dân ở địa phương khác đến vứt heo chết ngay trên cầu sông Vệ cũ, gây bốc mùi hôi thối nồng nặc, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân xung quanh.

Heo chết vẫn còn nằm trên cầu sông Vệ cũ đã nhiều tuần qua, nhưng vẫn không thấy ai đến xử lý.
 
Chúng tôi mong chính quyền phải có biện pháp xử lý nặng đối với những đối tượng thiếu ý thức, vứt heo chết ra môi trường.
Toàn tỉnh hiện có tổng đàn heo 431.000 con, trong đó 34 trang trại chăn nuôi hàng nghìn con. Để ứng phó với dịch ASF, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp trên 13 nghìn lít hóa chất; đồng thời phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền cho người dân về dấu hiệu, triệu chứng heo mắc bệnh; tiêu hủy heo bị dịch...
 
Nhóm PV (thực hiện)
 

 


.