Nên cân nhắc trong việc xây dựng cổng chào

02:07, 28/07/2019
.

(Baoquangngai.vn)- Những năm gần đây, nhiều huyện, xã trên địa bàn tỉnh dùng một kinh phí không nhỏ để xây dựng các cổng chào. Một trong những lý do để xây dựng cổng chào là tạo điểm nhấn cho địa phương, chào mừng các ngày lễ kỷ niệm... Tuy nhiên, nhiều cổng chào tiền tỷ vẫn chưa tạo được dấu ấn văn hóa, chưa thật sự phù hợp với điều kiện thực tế khách quan của địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Như tại huyện miền núi Minh Long, cuối tháng 10/2018, UBND huyện quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng cổng chào huyện Minh Long. Địa điểm xây dựng tại xã Long Mai; tổng kinh phí đầu tư xây dựng 2 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách huyện.

 

Cổng chào huyện Minh Long với vốn đầu tư 2 tỷ đồng từ ngân sách đang được triển khai xây dựng.

Cổng chào huyện Minh Long với vốn đầu tư 2 tỷ đồng từ ngân sách đang được triển khai xây dựng.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Minh Long, mục tiêu xây dựng cổng chào là nhằm góp phần thay đổi diện mạo, tăng vẻ mỹ quan và góp phần quảng bá hình ảnh địa phương. Tuy nhiên, Minh Long lại là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao (khoảng 32% hộ nghèo và gần 6% hộ cận nghèo), còn rất nhiều công trình dân sinh cấp thiết như điện, đường giao thông… cần được đầu tư xây dựng.

Không chỉ huyện Minh Long, mà ở nhiều huyện khác trên địa bàn tỉnh, kinh phí xây dựng cổng chào cũng lên đến hàng tỷ đồng. Tại huyện Nghĩa Hành hiện có 2 cổng chào; còn 12 xã, thị trấn thì có 9 cổng chào được xây dựng kiên cố. Riêng xã Hành Thuận, Hành Đức, Hành Minh không xây cổng chào xã, vì nằm gần trung tâm huyện. Các cổng chào ở xã được đầu tư xây dựng nằm trong chương trình xây dựng Nông thôn mới. Theo đó, mỗi xã được hỗ trợ 500 triệu đồng để xây dựng cổng chào. Tuy nhiên, hầu hết các xã còn huy động thêm nguồn vốn xã hội hóa, nên hầu như cổng chào của xã nào cũng dao động khoảng từ 700-900 triệu đồng kinh phí đầu tư xây dựng.

Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi chia sẻ: Xét về góc độ văn hóa, lịch sử thì cổng làng là một đặc trưng của làng xã Việt Nam. Xưa kia, các làng xã có tính biệt lập, vì thế mỗi làng đều có một cái cổng làng, được xây dựng với một kiến trúc đặc trưng của một giai đoạn, thời kỳ. Mỗi cổng làng có một đặc trưng văn hóa, kiến trúc riêng của làng đó, đồng thời đây cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.

Cổng làng gần như là một thành tố không thể tách rời, trở thành nét đặc trưng văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hiện nay, khi nghiên cứu cổng làng thời xưa, chúng ta vẫn thấy được những nét riêng của một giai đoạn lịch sử thông qua các cổng làng, chính vì vậy đã thu hút được nhiều người quan tâm nghiên cứu, tham quan, du lịch.

Còn đối với vùng Trung Bộ, Nam Bộ, tính khu biệt không lớn, nên hiếm khi có một cổng làng riêng. Còn hiện nay, phong trào xây dựng cổng chào đang ngày một nhiều, gắn với hình thức thôn văn hóa, xã văn hóa.

Cổng chào xã Hành Thiện.

Cổng chào xã Hành Thiện.

Cũng theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, chúng ta nên nhìn nhận lại hệ thống các cổng chào ở Quảng Ngãi và ở nhiều nơi khác có đáp ứng được các yếu tố về mặt văn hóa, kiến trúc… hay không? Vì đa số các cổng chào hiện nay ở các địa phương trong tỉnh chỉ là một vật thể đơn thuần, không có giá trị nhiều về mặt văn hóa, du lịch và hầu như cổng chào nào cũng na ná nhau.

Còn nếu mục tiêu xây dựng cổng chào là  để chào mừng các ngày lễ kỷ niệm như hiện nay là chưa phù hợp, vì hai câu chuyện này không liên quan đến nhau. Cổng chào riêng, còn ngày lễ kỷ niệm riêng. Nếu là ngày lễ kỷ niệm, nên xây dựng một công trình văn hóa, hoặc các công trình dân sinh mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng, như vậy sẽ phù hợp với thực tế hơn.

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN

 


.