Các chương trình cho vay giảm nghèo: Tồn tại nhiều bất cập

10:11, 20/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chính sách tín dụng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn nhiều năm qua đã tạo ra động lực to lớn trong giảm nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chính sách khi triển khai đã gặp vướng mắc, dẫn đến tồn đọng vốn, thậm chí xảy ra tình trạng "người nghèo từ chối vay", "huyện nghèo trả lại vốn"...

TIN LIÊN QUAN

Giảm dư nợ, tăng tồn đọng vốn

Theo số liệu của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) - Chi nhánh Quảng Ngãi, doanh số cho vay 9 tháng năm 2016 đạt khoảng 560 tỷ đồng, chủ yếu tập trung các chương trình thông thường. Còn một số chương trình những năm trước có doanh số cho vay tăng, nhưng năm 2016 này lại giảm như cho  học sinh, sinh viên vay giảm hơn 83 tỷ; hộ nghèo thông thường giảm 27 tỷ; dự án phát triển ngành lâm nghiệp giảm gần 9 tỷ; hộ nghèo làm "nhà 167" giảm gần 7 tỷ đồng.
 

Nhiều hộ nghèo ở các huyện miền núi có nhu cầu vay vốn làm nhà 167, nhưng bị vướng điều kiện vay vốn.
Nhiều hộ nghèo ở các huyện miền núi có nhu cầu vay vốn làm nhà 167, nhưng bị vướng điều kiện vay vốn.


Đặc biệt, ba chương trình tín dụng dành cho người nghèo hiện nay bị tồn đọng vốn nhiều, nhất là cho hộ đồng bào dân tộc vay hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi nghề, xuất khẩu lao động, làm nhà ở. Cả ba chương trình này vốn tồn đọng kéo dài từ năm 2015 đến năm 2016, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn không tăng và tổng vốn còn tồn khoảng 37 tỷ đồng. Đơn cử như chương trình cho vay làm nhà ở. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 6.140 hộ được phê duyệt trong đề án, trong đó năm 2016 là 614 hộ, với số vốn được Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam phân bổ 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay gần như toàn bộ số vốn này vẫn chưa giải ngân được.
 

Tỉnh sẽ xem xét, điều chỉnh kế hoạch tín dụng một số chương trình cho phù hợp.


Các huyện nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống khẩn trương rà soát, tổng hợp danh sách các hộ có nhu cầu vay vốn năm 2016. Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Quảng Ngãi trên cơ sở văn bản đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng năm 2016 của các huyện, tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh kế hoạch tín dụng cho phù hợp, nhằm giải ngân hết kế hoạch tín dụng trong năm. Thời gian hoàn thành chậm nhất là 30.11.2016".

Ông PHẠM TRƯỜNG THỌ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh.

Thực chất của việc "xin trả lại vốn"

Nhiều năm liền huyện Sơn Tây là địa phương dư nợ qua kênh Ngân hàng CSXH tăng không đáng kể. Thực tế, các hộ nghèo trên địa bàn hiện đều có dư nợ, cho nên không tiếp tục được cho vay chương trình mới. Một số chương trình khi triển khai xuống xã soát xét, bình chọn đối tượng giải ngân, thời gian sau  Phòng giao dịch Sơn Tây lại nhận được công văn của xã báo cáo: "Người nghèo không có nhu cầu, xã xin trả lại vốn". Tuy nhiên, khi trao đổi với các hộ dân trong danh sách "không có nhu cầu vay vốn" thì vỡ lẽ ra nhiều điều.

Trong năm 2016, toàn huyện Sơn Tây chỉ có 22 hộ được ưu tiên vay vốn làm nhà theo Quyết định 33. Tuy nhiên, sau đó xã báo lên có 5 hộ không có nhu cầu vay và đề nghị cắt vốn. Ngày 3.11.2016, UBND xã Sơn Mùa có công văn "xin được điều chỉnh giảm khoản vay vì xã nhiều lần vận động hai hộ vay vốn làm nhà, nhưng họ từ chối". Tuy nhiên, khi trực tiếp gặp anh Đinh Văn Quý và Đinh Văn Mâu - những người mà xã cho là "không có nhu cầu vay vốn", các anh lại cho biết hoàn toàn khác với nội dung báo cáo của UBND xã Sơn Mùa.

Anh Đinh Văn Quý cho biết: "Nhà mình kèo, cột mục hết rồi, muốn vay tiền để làm lại, chứ đâu phải mình không có nhu cầu. Cái mà xã đề nghị cắt không cho mình vay là họ buộc phải làm nhà trước rồi mới cho vay sau. Nhưng mình nghèo, không có tiền để làm nhà trước. Mình cũng có đi mượn, rồi xin tạm ứng vốn vay, nhưng không ai giải quyết cho mình. Đành để họ cắt vốn của mình thôi!".

Cũng tại Sơn Tây, năm 2015, huyện trả lại 1,8 tỷ đồng vốn thuộc chính sách cho vay đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Nguyên nhân, nguồn vốn này thuộc chương trình cho vay 2015, nhưng mãi đến cuối tháng 10.2015, UBND tỉnh mới phân bổ cho huyện. Sang tháng 11.2015, UBND huyện Sơn Tây mới phân khai về xã. Vì phân bổ vào cuối năm, thời gian rà soát, chọn đối tượng không còn, các xã đều từ chối không nhận vốn vay. UBND huyện Sơn Tây vừa thành lập đoàn kiểm tra, rà soát lại ba chương trình có nhiều vướng mắc và sẽ giải quyết trên tinh thần "hộ nghèo thực sự có nhu cầu vay vốn để làm nhà, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển sản xuất đều được giải quyết cho vay".

Nhiều chính sách bị "lỗi"

Nguyên nhân địa phương không  giải ngân được một số nguồn vốn giảm nghèo còn phát sinh từ chính các quy định trong chính sách. Ông Võ Thìn- Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện, cho biết: "Một số chính sách cho vay có sự chồng chéo, trùng lắp. Đơn cử như cho vay chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu lao động... theo Quyết định 755/QĐ-TTg. Đây cũng chính là các mục, khoản vay thuộc nhiều chương trình mục tiêu giảm nghèo đang triển khai trên địa bàn huyện. Hơn nữa, mức vay chỉ có 15 triệu đồng/hộ, nhưng mục đích sử dụng vốn lại yêu cầu quá lớn, khiến người dân khó thực hiện".

Thực tế, 15 triệu đồng rất khó để có thể chuyển đổi nghề nghiệp cho những hộ nghèo không có đất sản xuất. Và cũng mức vốn ấy lại càng khó trong thực hiện mục tiêu "tạo quỹ đất" mà chính sách đề ra. Còn xuất khẩu lao động thì hiện tại đã có chương trình khác đang cho vay với mức cao hơn nhiều.

Còn với chương trình vay hỗ trợ làm nhà, mức vay 25 triệu đồng là phù hợp. Tuy nhiên, điều kiện để được vay phải là "đã hoàn thành 30% căn nhà". Hộ nghèo cho rằng, vay để làm nhà mà lại quy định phải làm nhà rồi mới được vay tiền là không phù hợp, gây khó cho người dân...

Riêng vay vốn phát triển sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số, UBND huyện Minh Long cũng vừa có công văn xin điều chỉnh chỉ tiêu, kế hoạch tín dụng 1,7 tỷ đồng đối với chương trình này, vì nhiều hộ trong danh sách được vay còn dư nợ tại ngân hàng nên không thể tiếp tục cho vay, vì sẽ xảy ra "nợ chồng nợ". Đồng thời, mức vay quá thấp, chỉ 8 triệu đồng, thực tế hộ nghèo không biết sử dụng đồng vốn này vào việc gì để có thể sinh lợi, giảm nghèo...


Bài, ảnh: THANH NHỊ


 

Ông Trần Duy Cường - Giám đốc Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Quảng Ngãi: Hợp lực giải ngân nguồn vốn tồn đọng

 

-PV: Tình hình cho vay của năm 2016 gặp nhiều khó khăn, Ngân hàng CSXH đã xác định được nguyên nhân từ đâu chưa, thưa ông?

Ông TRẦN DUY CƯỜNG: Trong năm 2016, hoạt động tín dụng của Ngân hàng CSXH có nhiều khó khăn, tập trung ở các chương trình đặc thù. UBND tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo, nhưng hiện vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Thực tế, ngân hàng chỉ quản lý nguồn vốn. Việc bình xét, lập thủ tục vay đều do địa phương thực hiện. Khi khâu này bị chậm trễ, vướng mắc thì việc giải ngân sẽ ảnh hưởng. Ngân hàng hiện lo nhất là nguồn vốn cho vay làm nhà theo Quyết định 33 tồn đọng đã hai năm, vẫn chưa tìm ra cách nào để giải ngân.

-PV: Hiện nay có một số chương trình cho vay nảy sinh bất cập, ông có ý kiến gì về nhận định này?

Ông TRẦN DUY CƯỜNG: Chính sách tín dụng của ngân hàng đa phần là hợp lý; song cũng có một vài bất cập. Cụ thể là mức vay còn thấp; quy định cho vay còn chồng chéo, trùng lắp với một số chương trình cho vay khác trên địa bàn vùng nghèo, huyện nghèo. Có chính sách đưa ra điều kiện vay khá khắt khe, dẫn đến khó thực hiện...

-PV: Ông có đề xuất gì để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn còn tồn đọng?

Ông TRẦN DUY CƯỜNG: Theo tôi, đã đến lúc cơ quan có thẩm quyền cần rà soát lại các chương trình tín dụng có nhiều vướng mắc, phân tích rõ nguyên nhân. Nếu chương trình, chính sách nào chồng chéo, trùng lắp thì cắt giảm; nếu cùng mục tiêu cho vay thì đưa về một chương trình, tăng mức cho vay lên. Đối với cho vay làm nhà, cần xem xét quy định thêm nguồn đối ứng như trước đây, để người nghèo có đủ điều kiện làm được nhà ở. Ngân hàng CSXH rất trông chờ vào sự hỗ trợ từ phía chính quyền để có thể hợp lực giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng nguồn vốn còn tồn đọng.
         

T.N
 (Thực hiện)

 


 


.