(Báo Quảng Ngãi)- Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp (CCN), làng nghề ở các địa phương trong tỉnh đã đến mức báo động, đe dọa đến sức khỏe con người, thế nhưng vẫn chưa được quan tâm giải quyết đúng mức.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hiện nạy, trên địa bàn tỉnh có 11/17 cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt chi tiết đi vào hoạt động, nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải (HTXLNT) tập trung. Ở hầu hết các CCN vừa xây dựng, vừa kêu gọi đầu tư dẫn đến tình trạng hạ tầng chưa hoàn thiện, thế nhưng doanh nghiệp (DN) đã đi vào hoạt động. Vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải công nghiệp vẫn còn bị coi nhẹ.
Vô tư xả thải
Đó là thực trạng chung đang diễn ra mà chúng tôi bắt gặp khi “thị sát” tại nhiều CCN, làng nghề trên địa bàn tỉnh, từ ô nhiễm không khí, nguồn nước cho đến đất đai, tiếng ồn... Bất chấp những tác hại đang diễn ra, rác thải, chất thải độc hại tại các CCN, làng nghề vẫn cứ thải ra môi trường sống xung quanh, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người.
Chất thải bao bì sau khi đốt của Công ty TNHH SX TM Trang Khánh Linh chất thành khối, xả trực tiếp ra kênh mương. |
Đến CCN, làng nghề Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi), nói đến vấn đề môi trường, người dân ai cũng lắc đầu ngao ngán. Bởi từ ngày CCN “mọc lên”, họ phải sống chung với ô nhiễm từ việc xả thải vô tội vạ của các DN ra sông, suối... Cùng với đó, tình trạng đốt rác thải, bao bì nhựa từ các DN sản xuất nhựa khiến cho nguồn không khí vốn trong lành của làng quê bị “đầu độc” từng ngày. Men theo bờ ruộng từ cánh đồng đến đoạn kênh nằm ngay phía sau CCN để mục sở thị “quy trình” xả thải của các nhà máy, chúng tôi cảm thấy rùng mình khi chúng kiến những dòng nước đen ngòm, nồng nặc mùi hôi tanh. Ở khu vực xung quanh CCN bất đắc dĩ trở thành bể chứa chất thải của nhà máy. Thế nên người dân cứ luôn miệng bảo đây là dòng kênh chết, vì quá ô nhiễm nên không loài cá, tôm nào sống nổi...
Phía sau xưởng sản xuất, tái chế nhựa của Công ty TNHH sản xuất thương mại Trang Khánh Linh, nước thải trực tiếp xả xuống kênh mương. Không những gây ô nhiễm về nước thải mà DN này hằng ngày đốt chất thải gây ô nhiễm không khí xung quanh. Dù trước đó DN này từng bị Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) xử lý vì nước thải ra môi trường không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cùng với đó, Công ty cổ phần giấy Thiên Long chuyên sản xuất giấy và Công ty Cổ phần giấy Hiệp Thành- chuyên sản xuất giấy, bao bì, tái chế phế liệu ở CCN này cũng bị xử lý vì vi phạm quy định về việc xả chất thải ra môi trường gây ô nhiễm. Thế nhưng “đâu lại vào đấy”, bất chấp pháp luật, các DN vẫn vô tư xả thải ra môi trường.
CCN-LN Tịnh Ấn Tây được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2004. Hiện có 19 DN đăng ký đầu tư với các ngành nghề chủ yếu là tái chế giấy, sản xuất bánh tráng, đũa tre, nước mắm... Tuy nhiên, chỉ có 12 doanh nghiệp đang hoạt động. Theo đánh giá của Phòng Tài nguyên-Môi trường TP.Quảng Ngãi, tại CCN vài DN đầu tư xây dựng HTXLNT nhưng còn sơ sài, chỉ mang tính chất đối phó. Các đơn vị có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và phát sinh lượng nước thải lớn như: Công ty CP giấy Hiệp Thành, giấy Thiên Long, Công ty TNHH SX & TM Trang Khánh Linh, Công ty TNHH SX TM Khánh Linh, Công ty TNHH MTV Hoàng Hải, Công ty CP Đà Thành chưa quan tâm đến việc xử lý nước thải, khí thải, tiếng ồn trong quá trình sản xuất. Chính vì thế mà dòng suối cầu Kênh vốn trong xanh, thế nhưng gần chục năm nay đã trở màu đen ngòm, không chỉ bốc mùi hôi thối mà còn thẩm thấu đến mạch nước ngầm, khiến cho nhiều giếng nước của người dân bị ô nhiễm.
Còn tại CCN Đồng Dinh, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) đến nay có 7 DN hoạt động. Cơ sở hạ tầng tại CNN nghèo nàn, thiếu hệ thống thoát nước... Không có HTXLNT nên các DN xả nước thải trực tiếp ra môi trường, riêng chỉ có Công ty TNHH Hiệp Thông có đầu tư hệ thống xử lý nước thải thông qua hầm biogas. Chính vì vậy nguồn nước tại cánh đồng sau CCN này cũng bị ô nhiễm.
Không riêng gì hai CCN nói trên mà theo đánh giá của Sở TN&MT, hầu hết các CCN-tiểu thủ công nghiệp - điểm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có HTXLNT tập trung nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều làng nghề trong tỉnh đang đối mặt với ô nhiễm môi trường không khí, nước, đất... Nguyên nhân chính là do các làng nghề xen lẫn khu dân cư, phần lớn các chất thải không được thu gom, xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường xung quanh.
Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt
Mỗi năm Sở TN&MT tổ chức hơn 10 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, một số DN đã tích cực cải tạo, đổi mới công nghệ nhằm giảm thiểu khí thải, nước thải, chất thải độc hại ra môi trường. Tuy nhiên, những vụ phát hiện về vi phạm môi trường thời gian qua cũng chỉ là con số rất nhỏ so với thực tế về tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường đã và đang diễn ra. Công tác kiểm tra, phát hiện để xử lý và ngăn chặn triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại các CCN, làng nghề còn nhiều bất cập. Cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực môi trường còn thiếu và chưa đồng bộ.
Việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải rất tốn kém, trong khi đó nguồn lực của DN có hạn, nên hầu hết các DN chỉ mới quan tâm đến xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh, chưa quan tâm xử lý môi trường. Đây cũng là lý do vì sao hầu hết các CCN đều có quy hoạch HTXLNT tập trung, nhưng chưa triển khai xây dựng. Một bất cập nữa là thời gian qua, việc phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương của tỉnh trong việc giải quyết các vấn đề môi trường chưa được chặt chẽ và thường xuyên.
Bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp là yêu cầu cấp thiết hiện nay, bởi đây chính là cơ sở để phát triển công nghiệp bền vững. Vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các CCN- làng nghề cần phải tập trung giải quyết. Từ thực tế trên, các cấp, các ngành và địa phương phải đặt mục tiêu bảo vệ môi trường song song với việc phát triển bền vững của ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Cần phải xem việc giải quyết ô nhiễm môi trường là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; đồng thời nâng cao ý thức của chủ DN trong vấn đề bảo vệ môi trường. Có như vậy thì sự phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung mới thật sự bền vững.
*Bà Trần Thị Hạ Vũ- Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường: Trong thời gian đến cần tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc thu gom xử lý chất thải, có chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các KCN, CCN. Bên cạnh đó, hạ tầng phải được đầu tư phát triển đồng bộ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển gắn với bảo vệ môi trường. Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường và kiên quyết xử lý những cơ sở vi phạm. *Ông Nguyễn Văn Chung- Phó trưởng Phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh: Chúng tôi đã tăng cường phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường thanh, kiểm tra các DN về việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời đã chủ động cải trang, trinh sát, phát hiện bắt quả tang nhiều trường hợp DN vi phạm và cũng đã xử lý. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các CCN- làng nghề một cách triệt để thì các lực lượng chức năng cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến pháp luật thường xuyên đến doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng và đầy đủ cam kết bảo vệ môi trường. *Ông Trần Văn Thái- Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Thông, CCN Đồng Dinh, Nghĩa Hành: DN chúng tôi vào CCN Đồng Dinh từ năm 2010, chuyên sản xuất Sirôgluco và thức ăn gia súc. Mỗi năm sản xuất hơn 300 tấn. Trước đây chúng tôi không đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động chúng tôi nhận thấy, muốn tồn tại và phát triển bền vững thì sản xuất phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, công ty đã đầu tư kinh phí hơn 500 triệu đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại chỗ bằng hồ sinh học Biogas. Để bỏ ra chi phí lớn này, tôi chấp nhận sản xuất không có lãi một thời gian. Hiện tại, nước thải từ công ty thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn loại B, tức đủ điều kiện thải ra môi trường. *Ông Nguyễn Văn Lý, ở thôn Độc lập, xã Tịnh Ấn Tây,TP.Quảng Ngãi: Đã nhiều năm nay, người dân sống dọc suối Cầu Kênh này chịu ô nhiễm nghiêm trọng từ CCN- làng nghề gây ra. Chúng tôi kiến nghị lên các cấp nhiều lần mà không thấy khắc phục. Hằng ngày các DN ở đây xả thải xuống sông và đốt chất thải bao bì nhựa khiến cuộc sống của chúng tôi bị ảnh hưởng. Mong rằng tỉnh, ngành chức năng sớm vào cuộc xử lý để buộc các DN khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, trả lại cuộc sống trong lành cho người dân ở các khu dân cư xung quanh CCN. |
KIM NGÂN