Ô nhiễm môi trường ven biển: Đã ở mức báo động

07:05, 11/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ô nhiễm môi trường ở các xã vùng ven biển ngày càng trở nên nghiêm trọng. Thế nhưng, vấn đề xử lý rác thải ở khu vực này vẫn còn bỏ ngỏ, đe dọa đến sức khỏe con người và môi trường biển.

TIN LIÊN QUAN

Thực trạng đáng lo ngại

Tại khu vực bờ đập Quỳnh Lưu-ranh giới giữa hai xã Bình Châu (Bình Sơn) và Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), mùi hôi thối từ các bãi rác khiến cho những ai qua đường đều không thể chịu nổi. Rác thải tràn ngập, vương vãi khắp nơi. Ông Nguyễn An một người dân ở đây cho biết: “Rác thải từ bên phía cảng cá Sa Kỳ và chợ Bình Châu theo nước thủy triều tấp lên đây. Lâu nay người dân chúng tôi sống chung với ô nhiễm, kiến nghị mãi mà không thay đổi được gì”.

Chúng tôi đi dọc đến cảng Sa Kỳ. Tại đây tàu thuyền ra vào thường xuyên. Rác thải sinh hoạt, cặn dầu, chất thải rắn và các chất tẩy rửa… đều đổ ra biển. Mỗi khi bốc dỡ xong hải sản, ngư dân làm vệ sinh tàu thường thải các tạp chất trực tiếp xuống biển. Bên cạnh bến cảng là cảnh tấp nập ở cảng cá Định Tân, xã Bình Châu. Nơi đây từ lâu diễn ra hoạt động mua  bán hải sản, nhưng cơ sở hạ tầng kỹ thuật rất yếu kém, chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải.

Tại cảng cá Sa Kỳ mỗi ngày có khối lượng lớn rác thải “tuồn” ra biển.
Tại cảng cá Sa Kỳ mỗi ngày có khối lượng lớn rác thải “tuồn” ra biển.


Còn tại khu dân cư 19, thôn Định Tân (Bình Châu), nơi khu vực bờ kè gần cửa Sa Kỳ, một khối lượng lớn rác thải do người dân vứt vương vãi trên bờ, dưới nước. Ông Lê Văn Sáu, người dân sống ở KDC 19 thở dài: “Nơi đây đất chật, người đông, lại không có bãi tập kết rác nên người dân đành vứt rác xuống biển. Mong sao có đội thu gom rác để giảm ô nhiễm môi trường”. Trao đổi với chúng tôi về tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây, ông Trần Hồng Trúc-Trưởng thôn Định Tân cho hay:  “Chúng tôi nhiều lần tổ chức họp dân, vận động giữ gìn vệ sinh môi trường nhưng ý thức của nhiều người dân chưa cao. Toàn thôn có 830 hộ, hằng ngày lượng rác thải đều đổ ra sông, ra biển. Chính quyền xã cũng nhiều lần họp dân để bàn phương án thuê xe môi trường đến thu gom rác, nhưng do chi phí vận chuyển cao nên dân chưa đồng thuận”.  

“Mục sở thị” ở nhiều địa phương ven biển trong tỉnh, chúng tôi cũng bắt gặp tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như ở khu vực nói trên. Rác thải tràn ngập ven bờ biển. Khi triều lên, sóng biển cuốn những bãi rác này ra khơi. Sau đó, rác lại theo sóng tấp ngược vào bờ thuộc các khu dân cư dọc bờ biển.

Đâu là lời giải?

Tình trạng ô nhiễm đã và đang trở thành vấn nạn đối với nhiều địa phương ven biển ở tỉnh ta. Một số địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục nhưng “đâu lại vào đấy”, đủ loại rác thải vẫn cứ tràn ngập ở khu dân cư, ở ven bờ biển. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực ven biển đã và đang đe dọa đến sức khỏe người dân và đe dọa môi trường biển. Bên cạnh đó, tại các điểm du lịch ven biển như: Đức Minh (Mộ Đức), Khe Hai (Bình Sơn), Mỹ Khê (TP.Quảng Ngãi)... rác thải cũng tràn lan. Hệ thống xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt tại các điểm du lịch, bãi tắm thuộc vào hàng yếu kém. Nhiều điểm du lịch chưa làm hệ thống xả nước bẩn, không có thùng đựng rác công cộng nên mỗi khi khách ăn uống thường vứt rác bừa bãi ra bờ biển.

Tỉnh ta có trên 130km đường bờ biển. Tận dụng những tiềm năng, lợi thế từ cảng biển nước sâu, khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn vươn khơi xa, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản... Thế nhưng điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường ven biển vẫn không được khắc phục. Ông Lê Mỹ Liên-Giám đốc Sở TN&MT thừa nhận, nhiều năm qua, tuyến ven biển Quảng Ngãi triển khai nhiều dự án đầu tư lớn. Cùng với đó, dân cư tập trung ở các xã ven biển ngày càng đông. Trong khi đó, việc quản lý, bảo vệ môi trường vùng ven bờ biển chưa được quan tâm đúng mức.

Theo ông Lê Mỹ Liên, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác  bảo vệ môi trường ven biển, Sở TN&MT đang xây dựng Đề án quản lý tổng hợp đới bờ, tiến hành khảo sát thực trạng chung và xây dựng các giải pháp mang tính lâu dài để tham mưu cho UBND tỉnh từng bước bố trí nguồn kinh phí triển khai thực hiện.

Trước mắt sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và khuyến khích các địa phương thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp hoạt động dọc theo ven biển có cam kết và triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường. “Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ven biển đòi hỏi phải có sự hưởng ứng tích cực và thực hiện đồng bộ của các cấp, các ngành, các tổ chức và mỗi người dân vùng ven biển. Có vậy mới đảm bảo phát triển kinh tế biển một cách bền vững và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân vùng biển”, ông Lê Mỹ Liên nhấn mạnh.      
                    

                                                         
Bài, ảnh: KIM NGÂN


 


.