(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân được các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm và thực hiện đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài, nên rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị.
Những “vụ kiện” không hồi kết
Tại các địa phương trong tỉnh không hiếm trường hợp người dân mang đơn đến các cơ quan chức năng để khiếu nại các quyết định của Tòa án, UBND tỉnh. Dù đã có phán quyết rõ ràng, đúng pháp luật, nhưng người dân vẫn tin rằng lý lẽ của mình là đúng. Bởi vậy, họ cứ đi hết cơ quan này, đến cơ quan khác để “kiện”. Năm 1998, gia đình ông Trần Ngạnh và bà Nguyễn Thị Hương (đều ở xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành) phát sinh tranh chấp hơn 300m2 đất. Vụ việc kéo dài đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Điều đáng nói là, sau khi cảm thấy không thỏa đáng với cách giải quyết của các cấp chính quyền, cả hai khởi kiện ra tòa. Cuối cùng, Tòa phúc thẩm TAND tỉnh đã tuyên buộc ông Ngạnh trả cho bà Hương diện tích đất 320m2. Song, gia đình ông Ngạnh vẫn không chấp nhận kết quả này và tiếp tục khiếu nại. Và Cục THADS đã có quyết định thi hành bản án trên, nhưng gia đình ông Ngạnh vẫn kiên quyết đề nghị hoãn thi hành.
Người dân đang tìm hiểu thông tin để đăng ký làm việc với lãnh đạo tỉnh tại trụ sở tiếp công dân của UBND tỉnh. |
Còn vụ việc của ông Trần Quang Hoàng ở tổ 10, phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi thì lại bị “tắc” ở TP.Quảng Ngãi và UBND tỉnh. Năm 2007, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ra quyết định yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành làm thủ tục công nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho ông Hoàng. Thế nhưng, hơn 7 năm đã qua, ông Hoàng vẫn chưa được sở hữu phần đất mà Bộ Xây dựng đã công nhận. Vì vậy, hằng tháng ông Hoàng đều đăng ký tiếp công dân với UBND tỉnh và luôn nhắc điệp khúc: “Mong UBND tỉnh sớm chỉ đạo thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng”.
Theo UBND tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2014, UBND tỉnh đã tiếp nhận 166 đơn khiếu nại của 146 vụ việc thuộc thẩm quyền; trong đó, số vụ việc được giải quyết là 86 vụ, nhiều vụ việc phải giải quyết đến lần thứ 2. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài đang được UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Đâu chỉ là lỗi tại dân
Trong 9 tháng năm 2004, các cơ quan hành chính trong tỉnh tiếp nhận tổng cộng 1.738 đơn khiếu nại, tố cáo, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, có khoảng 1.400 đơn đủ điều kiện xử lý, với gần 70% vụ việc liên quan đến đất đai. Như vậy, nhiều nơi số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo đã gia tăng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thì có nhiều, nhưng có thể nói một trong những nguyên nhân cơ bản là do một số nơi chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức tới công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nhắc về việc “ôm” đơn chạy lòng vòng, bà Đỗ Thị Sinh (thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, TP.Quảng Ngãi) không khỏi ngao ngán. Bà Sinh kể: Năm 1975, cha tôi là ông Đỗ Thìn khai hoang đất ven sông Trà Khúc để sản xuất. Thực hiện Nghị định của Chính phủ, cha mẹ tôi được cấp sổ đỏ thửa đất số 156, tờ bản đồ 29, diện tích 636m2. Phần đất còn lại là đất vượt hạn mức, gia đình tôi tiếp tục canh tác đến nay.
Tuy nhiên, khi xây dựng Trường Cao đẳng Công thương TP.Hồ Chí Minh (cơ sở Quảng Ngãi), cơ quan chức năng của huyện Sơn Tịnh (trước kia) chưa có quyết định thu hồi, cũng không bồi thường phần đất ngoài hạn mức này, mà đã tiến hành giao đất cho chủ đầu tư. Từ năm 2011 đến nay, gia đình tôi kiên trì đi khiếu nại vụ việc này từ xã lên huyện (trước kia) và hiện nay là từ phường lên TP.Quảng Ngãi. Thế nhưng, tôi gửi đơn lên thành phố, họ lại chuyển về phường; gửi lên tỉnh, họ chuyển về thành phố, rồi thành phố lại chuyển về phường… Cứ thế mãi mà chưa thấy cấp nào giải quyết cho gia đình tôi”.
Luật gia Nguyễn Mạnh Thắng- Phó Giám đốc Sở Tư pháp, phân tích: Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo, một số chính quyền cơ sở chưa làm tròn trách nhiệm của mình, thiếu quan tâm giải quyết từ gốc, nơi phát sinh khiếu nại, tố cáo, có nhiều vụ việc giải quyết chậm, thẩm tra, xác minh sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, áp dụng pháp luật cứng nhắc, phương án giải quyết thiếu thuyết phục, dân không đồng tình, tiếp tục khiếu nại, tố cáo. “Nếu vụ việc xảy ra mà cấp cơ sở kịp thời xem xét và giải quyết đúng chính sách, pháp luật, có lý, có tình, thì người dân đồng tình chấp thuận và chấm dứt khiếu nại ngay từ cơ sở. Nếu cấp cơ sở không giải quyết hoặc giải quyết không đúng thì người dân khiếu nại lên cấp trên, sự việc sẽ trở lên căng thẳng, phức tạp và khó giải quyết”, ông Thắng nói.
Tăng cường đối thoại
Để nâng cao hiệu quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Chỉ thị 35 - CT/TW của Bộ Chính trị, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Luật Tiếp công dân đã được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2014); Nghị định 64/2014/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Tiếp công dân. Tại hội nghị này, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Người đứng đầu chính quyền các cấp ở địa phương phải trực tiếp đối thoại với dân để kiên trì giải thích, thuyết phục. Dân ta vốn trọng cả lý cả tình, do vậy phải đối thoại, đối thoại và đối thoại”.
Trong thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều dự án trọng điểm như: Nâng cấp, mở rộng QL1; xây dựng hạ tầng Khu VSIP Quảng Ngãi; thi công QL 24B… Đây là các dự án có khối lượng công việc liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn, nên nhiều khả năng, số lượng vụ việc khiếu nại sẽ tăng. Tuy nhiên, nhiều vụ việc phức tạp đã được giải quyết thấu đáo, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở các địa phương.
Điển hình như, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn qua Quảng Ngãi đã hoàn thành không xảy ra tình trạng khiếu nại kéo dài và đông người. Sở dĩ có được kết quả trên là nhờ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt công tác này. Bí thư cấp ủy các cấp tập trung đối thoại với nhân dân. Thủ trưởng cơ quan hành chính, chính quyền địa phương không ngừng củng cố, tăng cường hoạt động tiếp công dân và giải quyết đơn thư. Đặc biệt, chủ tịch UBND các huyện đã chủ động xem xét giải quyết trực tiếp, tại chỗ các khiếu nại, phản ánh liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân.
*Ông Phạm Vinh - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh: “Cần lắng nghe dân” Trên thực tế, vẫn còn hiện tượng những vụ việc khiếu nại, tố cáo của người dân không được giải quyết dứt điểm là do trình độ, năng lực của cán bộ tiếp dân ở các địa phương còn hạn chế, chưa phù hợp. Điều này chẳng những ít mang lại hiệu quả trong công tác tiếp dân mà còn khiến người dân bức xúc, vì chưa được giải quyết một cách thấu tình, đạt lý. Để công tác giải quyết đơn thư của người dân đạt kết quả cao, đòi hỏi cán bộ tiếp dân không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu pháp luật mà còn phải có tinh thần trách nhiệm, có kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử, biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó mới chia sẻ, giải thích đúng cho người dân, nhằm giảm sự bức xúc. *Ông Võ Văn Quỳnh - Phó Chánh Thanh tra tỉnh: “Nhiều vụ việc người khiếu nại không hợp tác” Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại tình trạng nhiều quyết định giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND tỉnh đã có hiệu lực thi hành, nhưng chưa được thực hiện hoặc thực hiện không dứt điểm. Nguyên nhân là do người khiếu nại, các bên tranh chấp cố tình chây ì, không hợp tác, không chấp hành quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh. Nhiều trường hợp, Chủ tịch UBND tỉnh đã giải quyết bác yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, nhưng người khiếu nại, tranh chấp lại chiếm giữ sử dụng đất thực tế, không chấp hành, vì cho rằng việc giải quyết là không thỏa đáng. Hơn nữa, pháp luật về đất đai trước ngày 1.7.2014 chưa quy định cụ thể việc tiến hành biện pháp cưỡng chế để thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai; quyết định công nhận hòa giải thành; không có quy định về cưỡng chế thực hiện quyết định khiếu nại. *Ông Đào Dương Minh - Chủ tịch UBND xã Tịnh Châu, TP.Quảng Ngãi: “Tháo “ngòi nổ” ngay từ nơi phát sinh khiếu kiện” Thời gian qua, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh trên địa bàn xã được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Khi nhận được đơn thư của người dân, bộ phận chuyên môn của xã nhanh chóng phân tích nội dung khiếu nại, tranh chấp, phản ánh, kiến nghị, tố cáo. Sau đó, cái gì thuộc thẩm quyền giải quyết của xã thì chúng tôi kiên trì giải quyết, vấn đề nào quá thẩm quyền thì hướng dẫn công dân đến các cơ quan chức năng cấp trên để được xem xét, giải quyết. Đây là giải pháp chấm dứt tình trạng xử lý lòng vòng, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Cần phải tháo gỡ “ngòi nổ” ngay từ nơi phát sinh khiếu kiện mới ngăn chặn được nguy cơ trở thành điểm nóng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào bộ máy chính quyền. *Ông Trần Đính (83 tuổi), ở xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa: “Cần thông báo cho người dân kết quả xử lý thật rõ ràng” Tôi đã từng có thời gian dài đi khiếu nại để đòi lại diện tích đất của gia đình mình. Trải qua những ngày tháng như vậy, tôi nhận thấy, cách giải quyết vấn đề của chính quyền các cấp còn một số bất cập. Ví dụ như UBND tỉnh có quyết định yêu cầu giải quyết dứt điểm, thì UBND huyện lại gia hạn thời gian xử lý. Tôi mong các cấp, ngành khi giải quyết các khiếu nại của người dân cần phải tuân theo luật định; đồng thời thông báo cho người dân bằng văn bản thật rõ ràng, khách quan và minh bạch. |
Bài, ảnh: TRIỀU – THIÊN