Để Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phát triển bền vững

06:03, 28/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2009, NMLD Dung Quất trở thành NMLD đầu tiên của nước ta đi vào hoạt động. Nhưng để đảm bảo vị trí “số 1” trên cả 2 phương diện: Thứ tự ra đời và quy mô, hiệu quả kinh doanh, thì NMLD Dung Quất còn rất nhiều việc phải làm.

TIN LIÊN QUAN


Nhiều thách thức

Những năm qua, nhiều dự án lọc dầu đã được chấp thuận về chủ trương cho đầu tư và đang chuẩn bị khởi công tại các địa phương trong cả nước. Dự kiến vài năm tới, nước ta sẽ có thêm một số NMLD đi vào hoạt động. Tháng 10.2013, dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã chính thức khởi công. Với công suất chế biến 10 triệu tấn/năm, nhà máy có vốn đầu tư khoảng 9 tỷ USD, dự kiến hoàn thành xây dựng vào quý 4.2016 và vận hành thương mại vào năm 2017. Các sản phẩm của liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ gồm xăng A92, A95, nhiên liệu máy bay, dầu DO...

 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cần được nâng cấp, mở rộng để phát triển bền vững.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cần được nâng cấp, mở rộng để phát triển bền vững.


Tương tự, NMLD Vũng Rô (Phú Yên), do Tập đoàn Tachnostar Management Ltd (Anh) làm chủ đầu tư cũng bắt đầu khởi động. Năm 2007, nhà máy này được cấp phép với công suất 4 triệu tấn/năm, đến năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh quy mô NMLD Vũng Rô lên 8 triệu tấn/năm. Một dự án khác là dự án NMLD Nhơn Hội (Bình Định), do Tập đoàn dầu khí PTT (Thái Lan) làm chủ đầu tư với số vốn 27,5 tỷ USD, để xây dựng NMLD có công suất chế biến 30 triệu tấn dầu thô/năm. Trong khi đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết sẽ cấp phép cho Tập đoàn Formosa đầu tư dự án lọc hóa dầu có công suất 16 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư khoảng 12,5 tỷ USD…
 

Quảng Ngãi sẵn sàng cho dự án đưa khí vào bờ

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô, hiện Quảng Ngãi đã sẵn sàng 4 địa điểm để giới thiệu cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chọn triển khai dự án đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ. Việc đưa khí vào xử lý tại KKT Dung Quất sẽ tạo tiền đề xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu quốc gia, kết nối được những sản phẩm đầu ra của NMLD Dung Quất. Các nguồn khí này trở thành nguyên liệu đầu vào tiếp tục phát triển ngành công nghiệp hóa dầu trên nền tảng các sản phẩm NMLD Dung Quất.

Ông Đinh Văn Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị vận hành và khai thác NMLD Dung Quất, cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, khi các dự án lọc hóa dầu khác đã và đang được đầu tư dưới nhiều hình thức tại Việt Nam, thì những vấn đề về cạnh tranh công nghệ, nhân lực, thương mại, thị trường... ngày càng trở thành những thách thức đối với tương lai của NMLD Dung Quất. Mặt khác, chính sách ưu đãi thuế của Chính phủ dành cho NMLD Dung Quất sẽ kết thúc vào năm 2018, trong khi dự án NMLD Nghi Sơn được áp dụng đến năm 2027, sẽ làm giảm tính cạnh tranh về thị trường phân phối sản phẩm của NMLD Dung Quất. Sau khi các NMLD mới được đưa vào vận hành, thị trường tiêu thụ có xu hướng cạnh tranh mạnh, đặc biệt tại các thị trường lớn như phía bắc và phía nam. Nhưng NMLD Dung Quất lại đóng tại miền Trung, nên buộc phải tăng chi phí trong quá trình phân phối sản phẩm.

Cũng theo ông Ngọc, NMLD Dung Quất đang phải đối diện với những thách thức hoàn toàn mới trong quá trình vận hành. Đó là những vấn đề về quản lý và làm chủ kỹ thuật công nghệ, về hệ thống tiêu chuẩn và quy trình vận hành, về tối ưu hóa sản xuất và thực hành tiết kiệm, về mở rộng nâng cấp nhà máy và tìm kiếm nguồn dầu thô đầu vào, về chuyên nghiệp hóa các mảng thương mại dịch vụ, quản trị nhân sự, quảng bá hình ảnh, quan hệ quốc tế... “Trong tương lai, NMLD Dung Quất sẽ gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt với các NMLD khác về chất lượng sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm của NMLD Dung Quất chỉ cho phép đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm tương đương Euro2. Trong khi đó, khi NMLD Nghi Sơn và Vũng Rô đi vào hoạt động sẽ cho ra sản phẩm tiêu chuẩn Euro 4. Lúc đó, sản phẩm của NMLD Dung Quất sẽ bị thua thiệt. Mà theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, xe ôtô và môtô 2 bánh phải đạt các tiêu chuẩn phát thải là Euro4 từ ngày 1.1.2017 và Euro5 vào ngày 1.1.2022” - ông Ngọc nói.

Nhiệm vụ “khẩn cấp”

Theo lãnh đạo BSR, trong vòng 2 - 3 năm nữa, nếu không nâng cấp, mở rộng thì NMLD Dung Quất khó hoạt động tốt hoặc giảm công suất rất nhiều, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và chất lượng thiết bị của nhà máy. Do vậy, Ban lãnh đạo BSR đã đặt vấn đề mở rộng nhà máy vào tình trạng “khẩn cấp”. Theo đó, NMLD Dung Quất đang cân nhắc phương án mở rộng để nâng quy mô hoạt động lên mức 10 triệu tấn/năm. Ông Đinh Văn Ngọc cho hay: Để thực hiện phương án mở rộng, tùy thuộc cấu hình và công nghệ kỹ thuật, khoản vốn đầu tư sẽ cần 1,5 - 2,5 tỷ USD và phải mất khoảng thời gian từ 6 đến 8 năm để hoàn tất. Với quy mô của BSR, việc tìm các cổ đông mới từ các nhà đầu tư trong nước để hoàn tất việc cổ phần hóa doanh nghiệp này có lẽ sẽ rất khó. Thực tế cho thấy, cách đây 3 năm, dù cho phương án bán 49% cổ phần của NMLD Dung Quất đã được chấp thuận, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, NMLD Dung Quất vẫn thuộc sở hữu 100% vốn của Nhà nước. Vì vậy, NMLD Dung Quất đang nghiên cứu phương án mở rộng đầu tư theo cả 2 hướng, tự làm và hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất cho phép đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường về khối lượng và chất lượng. Phát huy được nguồn lực lao động có tay nghề được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm thực tế. Khi được mở rộng, Nhà máy sẽ là động lực cho các công ty vệ tinh phát triển, điều này đảm bảo Nhà máy có dịch vụ cung ứng hỗ trợ kỹ thuật tốt hơn. Đặc biệt, quá trình nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất cũng phù hợp với chiến lược phát triển của KKT Dung Quất, là trung tâm lọc hóa dầu quốc gia; đồng thời, tận dụng được các lợi thế ưu đãi đầu tư đã được áp dụng cho KKT Dung Quất.

 

*TSKH Hồ Sỹ Thoảng - Nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Dầu khí Việt Nam: “BSR phải làm chủ được công nghệ”
Ngay bây giờ, BSR cần chủ động và PVN hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ quản lý và vận hành nhà máy, đặc biệt đối với các xưởng công nghệ sử dụng bản quyền công nghệ nước ngoài. BSR phải kết hợp lực lượng bảo dưỡng nội tại và các nhà thầu chuyên nghiệp đảm bảo được độ tin cậy của thiết bị để có thể vận hành an toàn, ổn định. BSR phát huy tối đa nội lực và hợp tác có hiệu quả với Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) và Các tổ chức Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trong và ngoài nước, làm chủ công nghệ sản xuất, cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm, chế biến phụ phẩm sản xuất ethanol thành chế phẩm sinh học.

*Ông Phạm Văn Bắc - Phó Trưởng Ban Chế biến Dầu khí Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN): “Nghiên cứu song song 2 phương án: Tự đầu tư hoặc liên doanh đầu tư dài hạn”
Chiến lược phát triển của BSR đã được PVN phê duyệt là tiến tới cổ phần hóa. Chuyển nhượng khoảng 25 - 49% vốn chủ hữu tại BSR theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều đối tác như Gazpromneft, SK Energy đang rất quan tâm tới dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất. Một cơ hội đang mở ra cho NMLD Dung Quất chính là việc tìm ra mỏ khí ở ngoài khơi Trung Trung Bộ với trữ lượng dự báo là lớn, đủ để phát triển một khu công nghiệp khí - điện ở Dung Quất. Nếu việc này được triển khai thì BSR phải lựa chọn công nghệ cho phù hợp. Khi các điều kiện đang thuận lợi, BSR cần khẩn trương thực hiện các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy. Nghiên cứu song song cả hai phương án: Tự đầu tư hoặc liên doanh đầu tư dài hạn. Trước hết, BSR sớm triển khai việc tìm kiếm nguồn dầu thô thay thế dầu ngọt Bạch Hổ, định giá tài sản và phân kỳ đầu tư.

*Ông Nguyễn Hoài Giang – Chủ tịch Hội đồng thành viên BSR: “Đảm bảo nguồn dầu thô ổn định cho NMLD Dung Quất”
Nếu như năm 2014, việc nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất được thực hiện, thì đến khoảng năm 2020 - 2022 mới hoàn thành. Từ bây giờ đến lúc đó, nguồn dầu thô đầu vào ít nhất phải được đảm bảo cung ứng ở mức đáp ứng đủ công suất thiết kế. BSR đang gia tăng tìm kiếm nguồn dầu thô phổ biến trên thế giới có thể pha trộn vào nguồn dầu thô hiện tại nhằm giảm sức ép đối với những vấn đề nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, BSR cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án phân xưởng thu hồi lưu huỳnh để gia tăng tỷ lệ pha trộn dầu thô vào nguồn hiện tại. Hai cách trên đều hướng tới mục tiêu đảm bảo ổn định và an toàn đối với nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến khi hoàn tất nâng cấp, mở rộng nhà máy.

*Ông Trần Vĩnh Lộc – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển Chế biến dầu khí (Viện Dầu khí): “Cần có chính sách ưu đãi thuế với các NMLD trong nước”
Các nước đang phát triển đều có những chính sách ưu đãi về thuế, về đầu tư và nhập khẩu cho các ngành công nghiệp lọc hóa dầu. Đối với các nước nhập khẩu sản phẩm, thuế nhập khẩu là công cụ khuyến khích đầu tư NMLD trong nước. Đối với các nước đang xuất khẩu hoặc tự cung cấp trong nước, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu dầu thô là công cụ để khuyến khích đầu tư. Việt Nam là nước nhập khẩu xăng dầu ở thời điểm hiện tại, nên thuế nhập khẩu là công cụ hữu hiệu để khuyến khích đầu tư lĩnh vực lọc dầu.   

 

H.HÀ – N.TRIỀU


.