Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: Niềm tự hào của ngành công nghiệp Việt Nam

06:02, 25/02/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Tháng 2.2014 này, tròn 5 năm kể từ thời điểm Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất sản xuất ra sản phẩm thương mại đầu tiên (tháng 2-2009). Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị, kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

TIN LIÊN QUAN

NMLD Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia, được Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai thực hiện tại Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi với số vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất 6,5 triệu tấn/năm, đáp ứng trên 30% nhu cầu sử dụng xăng dầu trong cả nước. Việc đầu tư xây dựng NMLD Dung Quất cho phép Việt Nam chế biến dầu thô trong nước, đảm bảo từng bước về an ninh năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp xăng dầu từ nước ngoài, tạo ra bộ mặt mới trong tiến trình CNH, HĐH của Quảng Ngãi và cả khu vực miền Trung.
 
Sự lựa chọn đúng đắn
 
Việc xây dựng NMLD Dung Quất có thể được xem như một bước tiến cực kỳ quan trọng đặt nền móng cho ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước, giải quyết có hiệu quả các nhu cầu về việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách và phát triển các ngành dịch vụ khác của địa phương từ giai đoạn xây dựng đến giai đoạn vận hành sản xuất.
 
Nhà máy lọc dầu Dung Quất được chọn
Nhà máy lọc dầu Dung Quất được ví là trái tim của KKT Dung Quất.
 
Đồng thời còn là tiền đề thúc đẩy các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất trên các lĩnh vực công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí, chế tạo và lắp ráp, đóng sửa tàu biển, luyện cán thép, vận tải, điện tử, chế biến và các ngành công nghiệp khác. Với quy mô và ý nghĩa như vậy, NMLD được xem như là trái tim của Khu kinh tế Dung Quất, đặc biệt, đây cũng là NMLD đầu tiên do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của ngành dầu khí Việt Nam.
 
Quá trình hình thành và triển khai dự án xây dựng NMLD đầu tiên của nước ta đã kéo dài nhiều năm và trải qua các giai đoạn với những cơ chế đầu tư khác nhau. Giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2003, Việt Nam hợp tác với Nga để xây dựng nhà máy theo tỷ lệ góp vốn 50/50. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến tháng 2.2003 dự án trở lại hình thức Việt Nam tự đầu tư.
 
Việc quyết định trở lại với hình thức tự đầu tư cho thấy quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong chiến lược chủ động đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quá trình thực hiện dự án từ năm 1997 đến khi hoàn thành vào năm 2008 gặp rất nhiều khó khăn, thử thách liên quan đến cơ chế đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thời tiết, điều kiện địa chất, thị trường và nguồn nhân lực.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm và động viên cán bộ, kỹ sư Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm và động viên cán bộ, kỹ sư Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
 
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình trọng điểm về dầu khí, các bộ ngành và cơ quan Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Quảng Ngãi, cộng với những nỗ lực vượt bậc của chủ đầu tư cùng hàng vạn cán bộ, kỹ sư, chuyên gia, công nhân thuộc các nhà thầu trong nước và quốc tế, NMLD Dung Quất đã cho xuất xưởng dòng sản phẩm thương mại đầu tiên vào ngày 22.2.009. 
 
Từng bước trưởng thành 
 
Hơn một năm sau, ngày 25.5.2010, quá trình chạy nghiệm thu đã thành công. Nhà máy đã vận hành 100% công suất thiết kế, đảm bảo an toàn, sản xuất ra tất cả các các chủng loại sản phẩm theo đúng thiết kế, đạt chất lượng cao và ngày 30.5.2010, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chính thức nhận bàn giao NMLD Dung Quất từ Tổ hợp nhà thầu Technip và giao cho Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) trực tiếp quản lý điều hành, đưa nhà máy vào vận hành thương mại, chủ động sản xuất và kinh doanh các sản phẩm xăng dầu đạt chất lượng cao để cung cấp cho thị trường trong nước. 
 
Ngày 6.1.2011, NMLD Dung Quất chính thức được Thủ tướng Chính phủ cắt băng khánh thành. Kể từ khi Công ty BSR tiếp nhận nhà máy, công suất trung bình của nhà máy luôn được duy trì ở mức trên 95% và sau khi được bảo dưỡng thành công, nhà máy luôn vận hành ở 100% công suất. Tổng sản lượng sản xuất năm 2011 đạt 5,45 triệu tấn sản phẩm, doanh thu trên 111,63 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách trên 14,38 ngàn tỷ đồng. Công tác quyết toán dự án NMLD Dung Quất cũng đã hoàn thành sớm hơn 25 tháng so với quy định của Bộ Tài chính với giá trị quyết toán giai đoạn 1 là 42.818 tỷ đồng (đạt 99,5% tổng giá trị thực hiện đầu tư của dự án).
 
Tàu nhận xăng dầu tại Cảng xuất sản phẩm Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Cảng xuất sản phẩm Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
 
Năm 2012, hoạt động sản xuất kinh doanh của NMLD Dung Quất gặp nhiều khó khăn do phải dừng tổng cộng 68 ngày để bảo dưỡng, xử lý dứt điểm tồn tại kỹ thuật. Tuy nhiên, nhà máy đã chế biến và xuất bán ra thị trường 5,6 triệu tấn sản phẩm xăng, dầu các loại, doanh thu đạt 127,78 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 17,61 ngàn tỷ đồng.
 
Năm 2013, Công ty BSR đã hoàn thành vượt mức toàn bộ các mục tiêu đã đề ra, nhập 7,3 triệu tấn dầu thô, sản xuất và bán ra thị trường 6,6 triệu tấn sản phẩm các loại, tổng doanh thu trên 154,27 ngàn tỷ đồng, đạt 141% kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước trên 28,415 ngàn tỷ đồng, đạt 212 % kế hoạch năm.
 
Tính đến đúng ngày 22.2.2014, NMLD Dung Quất đã đạt thành tích có mức độ quốc tế trong vận hành 560 ngày liên tục không có sự cố. Kể từ khi đi vào vận hành đến nay, NMLD Dung Quất đã chế biến được 28,7 triệu  tấn dầu thô, sản xuất  26 triệu tấn sản phẩm, doanh thu đạt 519,61 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 81,07 ngàn tỷ đồng. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, tham gia tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách và phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ khác của tỉnh Quảng Ngãi. 
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 

.