Tập trung bình ổn thị trường cuối năm

02:12, 15/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cuối năm là dịp mua sắm cao điểm của người  dân. Để không xảy ra “sốt hàng, tăng giá”, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo bình ổn thị trường, tạo thuận lợi cho nhân dân vui xuân đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ - 2014.

TIN LIÊN QUAN

Ngoài sử dụng ngân sách để bình ổn giá, từ nay đến cuối năm Quảng Ngãi còn tăng cường các giải pháp dự báo tình hình thị trường, kiểm soát chặt chẽ giá cả;  chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Đổi mới công tác bình ổn giá

Năm thứ 4 liên tiếp, Quảng Ngãi thực hiện giải pháp bình ổn giá bằng tiền ngân sách. Thông qua chọn lọc doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ hàng hóa uy tín, UBND tỉnh trích ngân sách cho các đơn vị này mượn, mua dự trữ hàng hóa trước tết, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu thị trường với mức giá thấp hơn từ 5% đến 10% giá bán mặt hàng cùng loại trên thị trường.

 

 Người tiêu dùng mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn – Quảng Ngãi.
Người tiêu dùng mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn – Quảng Ngãi.


Năm nay, ngân sách tỉnh trích 27,5 tỷ đồng cho đơn vị kinh doanh bán lẻ mượn để mua hàng thiết yếu dự trữ phục vụ tết. Các đơn vị tham gia bình ổn gồm:  Công ty CP lương thực Quảng Ngãi (5 tỷ đồng); Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn – Quảng Ngãi (8,5 tỷ đồng); Siêu thị Quảng Ngãi (10 tỷ đồng); Siêu thị Nghĩa Hành (4 tỷ đồng). Các mặt hàng bình ổn gồm 9 nhóm hàng thiết yếu như gạo, đường, thịt gia súc – gia cầm; trứng; bánh kẹo, rau củ, thực phẩm chế biến sẵn… Thời gian cho mượn từ 20.11.2013 đến 14.2.2014.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, rút kinh nghiệm của 3 năm trước đây, công tác bình ổn giá dịp Tết Giáp Ngọ - 2014 có những điểm mới. Thứ nhất, mở rộng điểm bán hàng bình ổn lên 21 điểm tại tất cả 14 huyện, thành phố. Trong đó tại huyện đảo Lý Sơn, có 2 đơn vị sẽ tổ chức điểm bán hàng bình ổn gồm: Siêu thị Quảng Ngãi (ngày 23 – 25 tháng Chạp với 9 nhóm hàng thiết yếu và 37 mặt hàng Việt Nam chất lượng cao) và Công ty CP Lương thực Quảng Ngãi (30 ngày từ 1.1.2013 đến 30.1.2014 với các mặt hàng nếp và gạo).

Thứ hai, kéo dài thời gian phục vụ bán hàng bình ổn, nhất là ở các huyện xa xôi như Tây Trà, Sơn Tây để nhân dân có điều kiện mua sắm hàng Tết. Thứ 3, kết hợp giữa bán hàng bình ổn với “Đưa hàng Việt về nông thôn”, tạo sự phong phú đa dạng của các mặt hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Thứ 4, đợt bình ổn giá Tết năm nay chỉ tập trung bình ổn thời gian trước và cận Tết, không tổ chức bình ổn sau Tết. Vì sau tết nhu cầu mua sắm không đột biến tăng như trước đó.

Kiểm soát chặt chẽ giá cả

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, Ban Chỉ đạo 127 của tỉnh đã yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan chủ động nắm diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, dự báo tình hình, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, kịp thời phát hiện những vấn đề gây bất ổn thị trường để có giải pháp xử lý; chỉ đạo Chi cục QLTT Quảng Ngãi thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ - 2014.

Dự báo của Chi cục Quản lý thị trường, dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ này, tình hình thị trường không có nhiều bất ổn. Tuy nhiên, sau đợt lũ lịch sử vừa qua, số lượng gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi và chết khá nhiều, khả năng tái đàn không kịp phục vụ thị trường Tết. Do đó, nhiều khả năng phải nhập từ thị trường ngoài tỉnh về, dẫn đến khó khăn trong khâu quản lý nguồn hàng, chất lượng sản phẩm.

Sở Công thương đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh hệ thống bán lẻ, đặc biệt là đơn vị được UBND tỉnh chọn tham gia bình ổn giá phải thực hiện đúng cam kết cung ứng đầy đủ số lượng, chủng loại, niêm yết giá và bán theo đúng giá niêm yết các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm. Theo kế hoạch, khi tỉnh bắt đầu thực hiện bình ổn giá, Ban Chỉ đạo 127 tỉnh sẽ thành lập nhiều đoàn công tác kiểm tra tình hình lưu thông hàng hóa, góp phần ổn định thị trường trước, trong và sau Tết.

 

*Ông Nguyễn An – Phó Giám đốc Sở Công thương: Đảm bảo đủ nguồn hàng cung ứng, nhất là các mặt hàng thiết yếu
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, Sở Công thương đã làm việc với một số doanh nghiệp kinh doanh hệ thống bán lẻ uy tín trên địa bàn về vấn đề phục vụ Tết. Các doanh nghiệp này cam kết đã có biện pháp đảm bảo nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, đầu cơ, gom hàng, gây sốt giá, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân và trật tự, an toàn xã hội trong những tháng cuối năm và dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ - 2014.

*Ông Võ Minh Tâm – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh: Quyết liệt kiểm soát giá, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể về tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá; kiểm tra khâu lưu thông hàng hóa trên thị trường; kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong việc thực hiện điều chỉnh giá, đăng ký giá, kê khai, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Đặc biệt tăng cường phối hợp chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng lậu, gian lận thương mại; xử lý nghiêm các hành vi tùy tiện tăng giá nhằm thu lợi bất chính.

*Ông Lê Hồng Ca – Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn – Quảng Ngãi: Tăng nguồn hàng, điểm bán hàng và thời gian mở cửa bán hàng bình ổn giá
Năm thứ 4 liên tiếp tham gia chương trình bình ổn giá, đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện các giải pháp đưa hàng bình ổn giá đến tay người tiêu dùng. Tết này siêu thị đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào và năng lực phục vụ đảm bảo. Cụ thể tăng thời gian mở cửa phục vụ người tiêu dùng mỗi ngày từ 1 đến 3 giờ so với ngày thường trong những ngày giáp tết; tăng thêm các điểm bán hàng bình ổn giá lưu động tại các vùng nông thôn trên địa bàn.

*Ông Đinh Tiên, thôn Cà Xen, xã Long Môn (Minh Long): Hầu hết người nghèo miền núi vẫn chưa mua được hàng bình ổn giá
Việc tổ chức điểm bán hàng bình ổn giá vẫn chủ yếu tập trung ở các trung tâm huyện lỵ, thị trấn. Thời gian bán chỉ vài ngày nên người nghèo ở vùng xa, vùng cao khó có điều kiện mua hàng. Hơn nữa, hàng bình ổn chỉ mới chủ yếu là dầu, mắm, bột ngọt thông thường. Người miền núi muốn mua thịt heo, thịt bò giá bình ổn thì chưa được đáp ứng.

*Bà Dương Thị Tám, xã An Hải, (Lý Sơn): Người dân ở đảo chưa được hưởng đầy đủ chính sách bình ổn giá
Từ khi thực hiện bình ổn giá, người dân đảo Lý Sơn chỉ mới được phục vụ mặt hàng gạo, còn các loại mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ quả là hàng hóa cần thiết nhất cho ngày Tết thì vẫn chưa thấy đưa ra đảo phục vụ. Điều này chưa đúng với phương châm bình ổn giá tập trung hướng đến người nghèo, vùng nghèo, vùng biển đảo, miền núi.

 

Bài, ảnh: Thanh Nhị

 


.