Từ lâu, nghệ vẫn luôn được ca ngợi là một loại gia vị có nhiều lợi ích sức khỏe và gần đây rất nhiều chị em truyền tai nhau cách sử dụng bột nghệ với mục đích giảm cân.
Là một trong những loại gia vị phổ biến được sử dụng lâu đời nhất, nghệ luôn được biết đến với tác dụng tăng cường sức khỏe tổng thể và khả năng miễn dịch.
Gần đây có nhiều thông tin cho rằng các hợp chất có trong củ nghệ còn có tác dụng giảm cân và người ta chia sẻ những cách sử dụng bột nghệ uống hàng ngày để tiêu mỡ và giảm cân hiệu quả.
Cùng tìm hiểu xem thực sự uống tinh bột nghệ có giúp giảm cân hay không?
1. Các lợi ích sức khỏe của nghệ
Củ nghệ có chứa các hợp chất hoạt tính sinh học được gọi là curcuminoids, trong đó hoạt chất nhiều nhất là curcumin. Curcumin là một polyphenol chịu trách nhiệm tạo ra màu vàng tươi của nghệ.
Curcumin có hoạt tính như một kháng sinh có tác dụng chống viêm rất mạnh. Theo nhiều nghiên cứu, curcumin có thể kiểm soát một số tình trạng viêm, hội chứng chuyển hóa, viêm khớp, kể cả tình trạng lo lắng và tăng lipid máu.
Cũng có bằng chứng lâm sàng cho thấy những lợi ích khác của curcumin như một chất chống vi khuẩn và một chất chống ôxy hóa hiệu quả, bao gồm cả tiềm năng chống ung thư của nó.
Nghệ có nhiều lợi ích sức khỏe như chống viêm, chống ôxy hóa tế bào, ngừa ung thư... |
PGS. Lâm cho biết thêm, tại Ấn Độ, người ta thấy số người mắc ung thư đường tiêu hóa thấp hơn so với Mỹ, có thể do chế độ ăn của họ thường sử dụng món cà ri trong đó có nghệ.
Ngoài chất curcumin, nghệ còn chứa hàm lượng sắt và mangan cao cũng như hàm lượng vừa phải của vitamin B6 và kali. Đây đều là những chất quan trọng đối với hoạt động trao đổi chất của tế bào và giúp tăng cường miễn dịch.
2. Nghệ có tốt để giảm cân không?
Có bằng chứng cho thấy, curcumin là thành phần hoạt chất chính trong nghệ giúp tăng bài tiết dịch mật tiêu hóa chất béo. Vì vậy người ta cho rằng nghệ có tác dụng giảm cân.
Lý do họ đưa ra là, curcumin là một chất chống ôxy hóa, ngăn chặn tình trạng viêm trong tế bào mỡ, tuyến tụy và cơ. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng châu Âu, điều này có thể giúp hỗ trợ giảm huyết áp, giảm mức cholesterol, giảm lượng đường trong máu và các tình trạng trao đổi chất khác.
Hơn nữa, nghệ có đặc tính chống viêm nhất định giúp giảm viêm trong cơ thể - đây là một trong những yếu tố gây béo phì. Một báo cáo năm 2013 về "Curcumin và bệnh béo phì" tiết lộ rằng polyphenol ngăn chặn tình trạng viêm mạn tính trong mô mỡ cơ thể. Những vấn đề về viêm mạn tính này thường được tìm thấy ở những người béo phì hoặc thừa cân.
Một số nghiên cứu trên động vật đã gợi ý rằng chất curcumin có thể hạn chế tăng cân và cải thiện độ nhạy insulin. Khi cơ thể nhạy cảm với insulin, nó có thể sử dụng glucose dễ dàng làm năng lượng cho các chức năng của cơ thể và lưu trữ glucose dưới dạng glycogen trong cơ và gan của chúng ta để sử dụng sau này.
Tuy nhiên, các nghiên cứu về mối liên quan giữa việc bổ sung curcumin và giảm cân còn rất hạn chế. Và những nghiên cứu quy mô nhỏ mới chỉ tập trung vào 1 hoạt chất có hoạt tính sinh học đặc trưng nhất của nghệ là curcumin trong khi củ nghệ chứa tới 235 hợp chất khác nhau.
Một số nhà dinh dưỡng cho rằng, tác dụng giảm cân của curcumin có lẽ chỉ có được rõ ràng nhất khi kết hợp với piperine, một thành phần hoạt chất trong hạt tiêu đen. Một nghiên cứu trên động vật năm 2015 cho thấy, chất piperine trong hạt tiêu đen có thể tăng cường hấp thụ curcumin lên tới gần 2.000% và sự kết hợp này có thể làm tăng quá trình giảm mỡ trong cơ thể dẫn đến giảm cân. Tuy nhiên, cần thêm các nghiên cứu trên người để khẳng định tác dụng giảm cân của hoạt chất này.
Hãy nhớ rằng, chế độ ăn kiêng giảm cân phải là sự kết hợp của nhiều loại thực phẩm lành mạnh và các loại thảo mộc giúp duy trì sự trao đổi chất của cơ thể, đồng thời mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác. Ngoài chế độ ăn uống khoa học, cần phải kết hợp với lối sống vận động và các bài tập để đạt được mục đích giảm cân.
3. Một số lưu ý khi sử dụng nghệ
Củ nghệ là một trong những siêu thực phẩm chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích nếu được sử dụng một cách thận trọng. Nghệ có thể có tác dụng phụ đối với một số người như buồn nôn và kích ứng da.
Nghiên cứu mới đây nhất đã cho thấy, dùng với liều lượng cao, curcumin có thể gây độc, đặc biệt là đối với gan. Theo Ủy ban kết hợp chuyên gia FAO/WHO về phụ gia thực phẩm (JECFA), tiêu thụ không quá 3mg curcumin cho mỗi kg trọng lượng cơ thể (tương đương với 5g bột nghệ với người 50kg) trong một ngày là an toàn.
Curcumin hòa tan trong chất béo và nó có thể được hấp thụ tốt hơn khi tiêu thụ cùng với chất béo. Bạn có thể kết hợp với dầu đậu nành, dầu ôliu hoặc bất kỳ chất béo nào phù hợp với bạn.
Nếu bạn muốn bổ sung curcumin ở dạng thực phẩm chức năng vào chế độ hàng ngày, bạn nên hỏi ý kiến chuyên gia. Hầu hết các viên nang sẽ có hướng dẫn chi tiết về cách dùng. Điều tốt nhất là bạn nên đọc kỹ và thực hiện đúng theo hướng dẫn.
Theo
SKĐS