(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 3/10, Việt Nam đã phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.
[links()]
Đến nay, bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở 92 quốc gia trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh đậu mùa khỉ là do vi rút DNA gây ra. Đây là bệnh có thể lây lan từ động vật có vi rút sang người, lây giữa người với người từ vết loét, qua nước bọt, quần áo, khăn mặt hoặc vật dụng khác như bát, đĩa...
Vi rút có thể làm lây bệnh từ người đang có thai sang bào thai, hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang con trong hoặc sau khi sinh do tiếp xúc trực tiếp.Bệnh có các triệu chứng như: Sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da, sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy.
Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến hàng nghìn nốt, chủ yếu tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.
Các cơ sở y tế tăng cường khám sàng lọc cho người dân đến khám bệnh để kịp thời phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ. |
Thời gian ủ bệnh thường từ 6 -13 ngày, có trường hợp kéo dài từ 2 - 4 tuần. Ở một số người có thể dẫn đến các biến chứng y khoa và thậm chí là tử vong.
Trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch có thể gặp triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ. Biến chứng ở các ca bệnh đậu mùa khỉ nặng có thể bị nhiễm trùng da, viêm phổi, lú lẫn, nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mất thị giác.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Phạm Minh Đức cho biết, sở đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các bệnh viện, đơn vị y tế cơ sở tăng cường giám sát phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây dựng phương án chủ động triển khai, hướng dẫn các đơn vị triển khai các giải pháp sàng lọc và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ; củng cố hệ thống giám sát tại các cảng biển để giám sát triệu chứng ở người nhập cảnh, đặc biệt là người đến từ các quốc gia đang lưu hành dịch. Đồng thời, xây dựng kịch bản xử lý khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ.
Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị y tế, trạm y tế xây dựng phương án tiếp nhận các trường hợp khai báo có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ và hướng dẫn đến các cơ sở y tế để khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ thì báo ngay về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để kịp thời xử lý.
Bài, ảnh: TR.AN