(Báo Quảng Ngãi)- Thời điểm giao mùa, mưa nắng thất thường, bệnh sốt xuất huyết (SXH), thủy đậu và nhiều loại bệnh khác thường hay bùng phát. Do đó, ngành y tế cần chú trọng phòng ngừa các loại dịch bệnh nêu trên.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết
Cứ vào dịp thời tiết chuyển sang hè, một số phường, xã ven biển ở thị xã Đức Phổ thường hay xảy ra dịch SXH. Nguyên nhân là do mật độ dân cư đông đúc, cộng với thời tiết mưa, nắng thất thường, tạo nước tù đọng, muỗi, lăng quăng sinh sôi quanh nhà. Một số địa phương như các phường: Phổ Thạnh, Phổ Văn, Phổ Quang thường xuyên xảy ra dịch SXH. Để hạn chế dịch lây lan, ngành y tế Đức Phổ đã bố trí nhân, vật lực để ngăn chặn dịch SXH.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn tiêm chủng định kỳ cho phụ nữ có con nhỏ. |
Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Đức Phổ Võ Văn Thuận cho biết: Thời gian qua, một số nơi như các phường Phổ Quang, Phổ Hòa đã xuất hiện ổ dịch SXH nhỏ. Trung tâm lập tức triển khai dập dịch; đồng thời chọn xã Phổ Quang làm xã điểm trong chiến dịch phòng, chống dịch SXH năm nay. Bởi nơi đây thường xuyên xảy ra dịch, do việc tích trữ nước sinh hoạt của người dân không đảm bảo. Nhiều người bơm nước lên bồn dự trữ, không xúc rửa thường xuyên, nên sinh lăng quăng, muỗi truyền dịch SXH. Bên cạnh phun hóa chất, dọn dẹp vệ sinh môi trường, trung tâm còn tuyên truyền cho người dân hiểu cách phòng bệnh SXH.
"Để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học (dự kiến vào ngày 4.5), trung tâm đã tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng 100% các trường học trên địa bàn; hướng dẫn phụ huynh học sinh, các trường thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh; tiếp tục bố trí nước sát khuẩn ở phòng học, vệ sinh phòng học thường xuyên...", ông Thuận nói.
Tại huyện Mộ Đức, đã xuất hiện một số ca nhiễm bệnh SXH trên địa bàn. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức Võ Thanh Tân, để chuẩn bị đón học sinh đến trường và phòng, chống dịch bệnh, trung tâm đã phát văn bản chỉ đạo các Trạm y tế xã, thị trấn tiến hành ngay công tác tiêu độc khử trùng tại các trường học, hướng dẫn người dân vệ sinh quanh nhà, tránh nước tù đọng, nhất là các xã biển, xã vùng trũng.
Chủ động phòng ngừa dịch bệnh
Theo nhận định của ngành y tế, thời điểm cuối tháng 4 là chu kỳ dễ xảy ra dịch SXH. Một số nơi trong tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trường xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại... là môi trường thuận lợi cho muỗi và lăng quăng truyền bệnh phát triển. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân về phòng, chống bệnh SXH chưa cao, không chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy ngay trong hộ gia đình, thói quen tích trữ nước, khiến muỗi sinh sôi.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hồ Minh Nên dự báo, thời gian tới, bệnh SXH dễ bùng phát ở các ổ dịch cũ và mới, nên bên cạnh tập trung phòng, chống dịch Covid-19, trung tâm đề nghị chính quyền các địa phương chỉ đạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn; phun hóa chất, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, nằm màn... Đồng thời, tiến hành ngay việc tiêm phòng một số bệnh có nguy cơ xảy ra như: Dịch sởi, bạch hầu, ho gà, bại liệt...
"Thời gian qua, do thực hiện giãn cách xã hội, nhiều loại vắc xin tiêm chủng cho bà mẹ, trẻ em bị gián đoạn. Vì vậy, các địa phương cần lập kế hoạch tổ chức tiêm chủng phù hợp, có thể kéo dài thời gian tiêm chủng, thông báo cho các trường hợp đến tiêm chủng theo khung giờ khác nhau, tránh tập trung đông người; tăng cường tuyên truyền đến cộng đồng về lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh, tiêm chủng đúng lịch, đủ liều, nhằm tránh dịch bệnh xảy ra", ông Nên nói.
Bài, ảnh: TR.AN