Đại đa số trẻ bị COVID-19 có triệu chứng nhẹ và sẽ bình phục hoàn toàn, nhưng một số ít em tại vài nước đã phát sinh hội chứng viêm hiếm gặp, đây là quan điểm mới nhất của WHO.
Theo hãng tin Reuters, các chuyên gia y tế của Ý và Anh đang điều tra về mối liên hệ có thể có giữa đại dịch COVID-19 và các nhóm bệnh nhi mắc chứng viêm nhiễm nặng phải nhập viện trong tình trạng sốt cao và các động mạch sưng tấy.
Tại Mỹ cũng có 3 trẻ đang phải điều trị hội chứng viêm hiếm gặp với những đặc điểm tương tự.
Trước thông tin này, tại cuộc họp báo qua mạng ngày 29-4, ông Mike Ryan - chuyên gia cao nhất phụ trách các vấn đề khẩn cấp của WHO, cho biết: "Tôi muốn nhấn mạnh với tất cả phụ huynh là đại đa số trẻ em mắc COVID-19 chỉ có triệu chứng nhẹ và sẽ bình phục hoàn toàn".
Tới nay phần lớn trẻ em không gặp phải những biến chứng nghiêm trọng của bệnh COVID-19. Tác động nặng nề và nguy hiểm nhất của căn bệnh này vẫn chủ yếu xảy ra ở các bệnh nhân lớn tuổi và những người có bệnh lý nền.
Chuyên gia miễn dịch học của WHO, tiến sĩ Maria van Kerkhove, cho biết mạng lưới lâm sàng của WHO đã thảo luận về báo cáo của Anh cho biết một nhóm nhỏ trẻ em bị hội chứng đáp ứng viêm (inflammatory response).
"Có một số mô tả hiếm gặp gần đây về những trẻ em tại một số nước châu Âu bị hội chứng viêm, tương tự như hội chứng Kawasaki, nhưng có vẻ như tình trạng này rất hiếm", bà Maria van Kerkhove nói. Bệnh Kawasaki còn được gọi là hội chứng hạch bạch huyết niêm mạc, là một bệnh trong đó các mạch máu trên khắp cơ thể bị viêm.
"Chúng tôi đã yêu cầu mạng lưới các bác sĩ lâm sàng toàn cầu cảnh giác với vấn đề này để họ có thể thu thập thông tin một cách hệ thống, từ đó chúng ta có thể hiểu rõ hơn và hướng dẫn điều trị", bà tiếp.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Ryan từ chối bình luận về các thông tin trên truyền thông nói thuốc kháng virus remdesivir của hãng Gilead Science có thể giúp điều trị người bệnh COVID-19. Ông cho rằng cần chờ thêm dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng vẫn đang diễn ra.
Trong diễn biến liên quan, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tiếp tục bảo vệ quan điểm của WHO trong cách thức đã giải quyết COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng lên cuối năm ngoái ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Những tuần qua, cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) đã đối mặt với những dư luận chỉ trích nặng nề, đặc biệt từ nhà tài trợ lớn nhất của họ là Mỹ, về cách giải quyết đại dịch COVID-19 của WHO.
Theo D. KIM THOA/Tuổi Trẻ Online