"Tuổi trẻ và sức khỏe tâm thần trong thế giới thay đổi"

10:10, 10/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là chủ đề Ngày sức khỏe tâm thần thế giới (10.10) năm nay. Khi xã hội ngày càng phát triển, tình trạng người trẻ bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần đang gia tăng; bệnh nhân tâm thần ngày càng trẻ hóa, kéo theo nhiều hệ lụy trong xã hội.

TIN LIÊN QUAN

Gia tăng tỷ lệ nghiện trong giới trẻ

Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ cho biết, thời gian gần đây hiện tượng giới trẻ sử dụng các chất ma túy tổng hợp như ma túy đá, ma túy “cỏ Mỹ”, “tem giấy”... gia tăng. Đây là những chất kích thích cực kỳ nguy hiểm, gây ảnh hưởng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. Tính từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã tiếp nhận khám và điều trị cho gần 100 trường hợp bệnh nhân sử dụng các loại chất ma túy, trong đó đa số là giới trẻ.

 

Bệnh nhân tâm thần ngày càng trẻ hóa.
Bệnh nhân tâm thần ngày càng trẻ hóa.


Bác sĩ Vũ cảnh báo: Bệnh nhân đến điều trị là những trường hợp sử dụng chất ma túy trong thời gian dài. Người nghiện bị loạn thần, với các biểu hiện như nhiều ảo thị, ảo giác, hoang tưởng... Ngoài việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, người sử dụng ma túy tổng hợp còn bị rối loạn tâm thần, gây nên những hành vi vô cùng nguy hiểm cho cộng đồng, xã hội...

Tại Khoa Tâm thần nam- Bệnh viện Tâm thần tỉnh, mới 16 tuổi, nhưng em P.H.C đã hai lần đến bệnh viện điều trị vì sử dụng ma túy, nên ảnh hưởng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. Mới lớp 6 em đã bỏ học, theo bạn bè tụ tập ăn chơi. Những năm tháng sống ở TP.Hồ Chí Minh, C đã tìm đến chất ma túy đá. Nhìn em tiều tụy, đang điều trị tích cực về những biến chứng của ma túy gây ra, khiến ai cũng xót xa.

Bệnh nhân tâm thần ngày càng trẻ hóa

Theo nghiên cứu mới đây của Bộ LĐ-TB&XH và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF), tỷ lệ trẻ em và vị thành niên Việt Nam bị mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung là từ 8-29%, ở thành thị nhiều hơn nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, đáng lo ngại là có tới 70% trẻ em và thanh, thiếu niên gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần mà không có can thiệp thích hợp ở giai đoạn sớm.

Tại Quảng Ngãi, trẻ em và thanh, thiếu niên mắc các rối loạn tâm thần có chiều hướng gia tăng, chiếm hơn 10% trong tổng số bệnh nhân đến khám điều trị. Bệnh nhân tâm thần cũng ngày càng trẻ hóa.

Theo Bác sĩ Vũ, nguyên nhân bao gồm các yếu tố sinh học và di truyền, các tổn thương về mặt tâm lý, môi trường xã hội. Các dấu hiệu bao gồm: Cảm thấy buồn chán, thu mình, mất hứng thú, không muốn chơi cùng bạn bè; hay lo lắng, sợ hãi không lý do, hoảng loạn; thay đổi cảm xúc; có những hành vi nguy hại, tự gây thương tích, tự sát, đánh nhau, làm tổn thương cho người khác; ngủ kém, trằn trọc; lạm dụng bia rượu hay ma túy... Mỗi lứa tuổi hay gặp những rối loạn đặc trưng. Trong đó, lứa tuổi vị thành niên (từ 10-19 tuổi) hay gặp các vấn đề liên quan đến tình dục, rối loạn hành vi dẫn đến gây rối, chống đối, đánh nhau, trộm cắp, nghiện games - mạng xã hội...

Môi trường gia đình ảnh hưởng nhiều tới thái độ ứng xử, hành vi của các em. Cha mẹ cần quan tâm, dành thời gian chăm sóc, gần gũi, trò chuyện với con mình. Không nên trừng phạt thiếu công bằng, hoặc dạy dỗ một cách áp đặt, hành vi thô bạo, phân biệt kỳ thị với trẻ. Hạn chế cho trẻ em tiếp xúc quá nhiều với các phương tiện điện tử để tránh cho trẻ nghiện games, mạng xã hội.

Môi trường giáo dục cũng tác động nhiều tới sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh, thiếu niên. Vì vậy, xây dựng mối quan hệ thầy trò, bạn bè tốt sẽ giúp các em tin tưởng, lạc quan trong cuộc sống. Nhà trường cũng cần dạy kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí tập thể, giáo dục công dân... một cách hiệu quả và thiết thực cho học sinh. Không nên gây áp lực tâm lý, hoặc quá kỳ vọng vào việc học tập của trẻ em và thanh, thiếu niên...


Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.