(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với việc hướng dẫn người dân cách phòng ngừa dịch bệnh, thời gian qua, ngành y tế Quảng Ngãi còn cử cán bộ y tế, cấp hóa chất khử khuẩn ở những nơi ùn ứ rác thải, hạn chế bùng phát dịch bệnh và lây lan trong cộng đồng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa Phan Minh Đan cho biết: Hằng ngày, trên địa bàn huyện có hàng chục tấn rác thải sinh hoạt phát sinh. Việc tồn đọng số lượng lớn rác như hiện nay rất đáng lo ngại. Bởi đây là nguồn ô nhiễm, khiến nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Trước thực tế này, ngành y tế đã cấp hóa chất cho đơn vị vận chuyển rác của huyện và các trạm y tế phun khử khuẩn, hạn chế ô nhiễm và vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.
Rác thải ùn ứ tại đầu cầu Bầu Giang, thuộc phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi. (Ảnh chụp lúc 14 giờ ngày 22.8). Ảnh: X.Thiên |
Tại huyện Sơn Tịnh, ngành y tế cũng đang khẩn trương xử lý nguồn rác tồn đọng. Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh tăng cường cán bộ xuống các xã giám sát và thực hiện khử khuẩn; hướng dẫn cách xử lý rác tránh ô nhiễm và vận động người dân thực hiện vệ sinh, ăn chín uống sôi để phòng bệnh. Tuy nhiên, theo lãnh đạo trung tâm thì lượng hóa chất hiện có không đủ để xử lý trên diện rộng.
Trong rác thải sinh hoạt, hàm lượng hữu cơ thường chiếm tỷ lệ lớn. Các loại rác hữu cơ dễ phân huỷ, gây ra mùi hôi, phát triển vi khuẩn gây hại làm ô nhiễm, mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Nhiều dịch bệnh có thể phát sinh từ đây, như các bệnh về hô hấp, viêm phổi, các bệnh về mắt, tai, mũi họng, bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa. Các loại vi trùng gây bệnh trong rác thải càng trở nên nguy hiểm khi có các vật chủ trung gian gây bệnh tồn tại trong các bãi rác, như những ổ chuột, ổ ruồi, muỗi...
|
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bác sĩ Bùi Thị Tố Tâm cho biết, trong điều kiện rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý đúng quy định thì người dân cần cho rác vào bao cột chặt. Cần phân loại rác thành ba nhóm: nhóm vô cơ không thể tự phân hủy, nhóm rác có thể tái chế và rác hữu cơ để chế biến thành phân hữu cơ. Muốn làm được điều này mỗi hộ gia đình cần phải có hai thùng đựng rác riêng biệt; khi bỏ rác vào thùng cần phân loại ngay, tạo thuận lợi khi xử lý về sau.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã cấp hóa chất, vôi để các địa phương xử lý nguồn rác ô nhiễm. Bên cạnh đó, trung tâm cũng cử cán bộ về xã Phổ Thạnh, Nghĩa Kỳ để giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, điều tra các ca bệnh để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ổn định tâm lý người dân.
KIM NGÂN