Xử lý rác thải bằng công nghệ đốt- Phù hợp với xu thế phát triển của thế giới

01:08, 19/08/2018
.

PGS.TS Trần Văn Quang
PGS.TS Trần Văn Quang

(Baoquangngai.vn)- Đó là khẳng định của PGS.TS Trần Văn Quang, Trưởng Khoa Môi trường- Đại học Bách khoa Đà Nẵng khi trao đổi với chúng tôi về tính hiệu quả của của việc xử lý rác thải bằng công nghệ đốt mà các nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nói chung và Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Đức Phổ nói riêng đang áp dụng trong thời gian qua.

 
PV: Thưa PGS.TS Trần Văn Quang! Tôi được biết PGS đã nhiều lần đến Quảng Ngãi với tư cách là nhà khoa học để nắm bắt thực tế xử lý rác thải của địa phương; đồng thời tham gia các đoàn công tác của Tổng Cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường giám sát hoạt động của các nhà máy xử lý rác thải. Vậy, theo đánh giá của ông so với các địa phương ở miền Trung, cụ thể là TP. Đà Nẵng nơi ông đang công tác thì việc xử lý rác thải ở Quảng Ngãi như thế nào?
 
PGS.TS TRẦN VĂN QUANG: Theo quan điểm của tôi, việc xử lý rác thải trên địa bàn Quảng Ngãi tốt hơn các địa phương khác trong khu vực miền Trung. Thậm chí, Quảng Ngãi còn đi trước Đà Nẵng trong lĩnh vực này. Hiện tại, tôi được biết, Quảng Ngãi đã sử dụng công nghệ đốt để xử lý rác thải, trong khi đó, Đà Nẵng vẫn còn xử lý rác thải theo phương thức chôn lấp và họ chỉ đang tính đến việc sử dụng công nghệ đốt để xử lý rác thải trong thời gian tới. 
 
Tại tỉnh Quảng Ngãi, qua khảo sát, tôi thấy công tác quy hoạch quản lý, xây dựng các nhà máy xử lý rác thải theo hướng phân bố ở các khu vực trong tỉnh là rất hợp lý. Hơn nữa, đối với công nghệ đốt mà các nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang áp dụng nó đáp ứng được các yếu tố môi trường và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
 
Bởi công nghệ đốt hiện nay được xem là khả thi nhất trong vấn đề xử lý rác thải. Tôi đã từng đi tham quan các nhà máy xử lý rác ở các nước như: Thụy Điển, Nhật… họ đều áp dụng công nghệ này. Đốt xong, tro họ chôn lấp hoặc có thể dùng để lấn biển, mở rộng diện tích đất.
 
PV: Tính đến thời điểm này, Quảng Ngãi có 3 nhà máy xử lý chất thải rắn đi vào hoạt động ở các huyện Lý Sơn, Bình Sơn và Đức Phổ. Các nhà máy này đều sử dụng công nghệ đốt và làm phân composte. Xin ông cho biết, công nghệ này hiệu quả hơn phương thức chôn lấp thông thường như thế nào?
 
PGS.TS TRẦN VĂN QUANG: Hiện nay, không riêng gì Việt Nam mà nhiều nước tiến tiến trên thế giới, công nghệ đốt chất thải đã ngày càng được áp dụng rộng rãi. Do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, đáp ứng tất cả các tiêu chí về môi trường và có thể coi là phương pháp xử lý triệt để nhất.
 
Bởi, đốt ở nhiệt độ cao rác thải được xử lý triệt để, đảm bảo loại trừ các độc tính và tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi, giảm phát khí thải. Đồng thời, rác sau khi đốt chỉ còn lại tro, tro sau đó mang chôn lấp. Khi đó nguồn ô nhiễm được xử lý hoàn toàn.  
 
Trong khi đó, biện pháp xử lý rác theo kiểu chôn lấp có ưu điểm là đơn giản so với các công nghệ khác, chi phí đầu tư và vận hành thấp, nhưng nhược điểm là chiếm nhiều đất, trong khi đó diện tích đất sử dụng còn rất hạn chế, nhất là ở khu vực đô thị.
 
Trên thực tế, giải pháp chôn lấp cũng không giải quyết được triệt để rác thải. Chất thải sau khi chôn lấp vẫn có thể thấm xuống đất theo nước mưa và nước rỉ rác có nguy cơ sẽ gây ô nhiễm nguồn nước của những vùng xung quanh. Cùng với đó, còn gây ô nhiễm không khí, mùi hôi khu vực chung quanh bãi chôn lấp.
 
Vì vậy, xử lý rác bằng công nghệ đốt là giải pháp tốt nhất, một xu thế cho các nhà máy xử lý rác thải ở Việt Nam.
 
Rác được thu gom đưa vào Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Đức Phổ  để xử lý
Rác được thu gom đưa vào Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Đức Phổ để xử lý
 
PV: Liên quan đến hoạt động xử lý rác thải, thời gian gần đây, một số người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ tụ tập, cản trở hoạt động của Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Đức Phổ. Người dân đưa ra nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nhà máy thải khí và nước có thể gây ô nhiễm môi trường.  Vậy, thưa PGS, với công nghệ đốt hiện đang sử dụng của nhà máy liệu có đảm bảo an toàn về các quy chuẩn xả thải ra môi trường hay không?  Nhận diện như thế nào là khí thải đạt hay không đạt quy chuẩn? 
 
PGS.TS TRẦN VĂN QUANG: Như tôi đã nói ở trên, công nghệ đốt hiện nay được xem là khả thi nhất trong vấn đề xử lý rác thải. Với công nghệ này, rác được đốt hết, thì hoàn toàn không có nước rỉ rác, nếu có thì tỷ lệ rất ít so với công nghệ chôn lấp. Do đó, tôi cho rằng, việc Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Đức Phổ  áp dụng công nghệ đốt thì vấn đề ô nhiễm nguồn nước do nước rỉ rác gây ra là rất khó có thể xảy ra.
 
Còn về vấn đề thải khí của nhà máy, tôi được biết, nhà máy cũng đã có đầu tư hệ thống xử lý khí thải; đồng thời, nhà máy còn chủ động nâng ống khói thải khí của nhà máy lên cao hơn với quy chuẩn (quy chuẩn ống khói tối thiểu 20m) thì rõ ràng sẽ tốt hơn rất nhiều cho môi trường xung quanh. Dưới, góc độ kỹ thuật, việc ống khói càng cao thì phạm vi khí thải phát tán rộng hơn và pha loãng mạnh hơn. 
 
Đối với người dân, bằng cảm quan của mình cũng có thể nhận diện khí thải của nhà máy có đạt hay không đạt. Cụ thể, nếu nhìn lên ống khói của nhà máy xử lý rác, nếu thấy khói đen và mùi đặc trưng gì đấy… thì như vậy, bằng cảm quan người dân có thể xác định được ô nhiễm hay không; còn nếu thấy khói trắng bay ra thì đó chỉ là hơi nước. Song, để khẳng định chính xác nhà máy có đảm bảo an toàn về các quy chuẩn xả thải ra môi trường hay không thì phải lấy mẫu quan trắc và phân tích so sánh theo các thông số quy chuẩn cho phép. 
 
PV: Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Đức Phổ được xây dựng ngay tại bãi chôn lấp rác trước đây. Hiện bãi rác còn tồn đọng 22.500m3 và công ty đang có phương án xử lý triệt để bằng cách đưa vào đốt. Theo PGS thì với biện pháp này có phù hợp không?
 
PGS.TS TRẦN VĂN QUANG: Tôi khẳng định việc làm này rất phù hợp. Tôi rất hoan nghênh khi lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi quan tâm chi ra một khoảng tiền lớn để xử lý triệt để nguy cơ xảy ra ô nhiễm từ bãi rác cũ này gây ra. Theo tôi được biết, ở các địa phương khác, bãi rác được xử lý theo hình thức chôn lấp khi đầy thường đóng lại. Bởi nếu đưa lượng rác này lên xử lý rất tốn kém.  
 
Theo quan điểm của tôi, nếu để bãi rác cũ chôn lấp lâu ngày thì vấn đề nước rỉ rác sẽ còn kéo dài từ 10- 15 năm nữa. Như vậy, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước trong tương lai  vẫn còn. Nếu nhà máy đưa hết lượng rác tồn đọng lên và xử lý bằng công nghệ đốt thì rất tốt, vừa xử lý được nguồn rác thải hiện tại và rác thải trước kia. Khi đó, môi trường sống của người dân sống xung quanh khu vực này sẽ được đảm bảo. 
 
 
PV: Xin cảm ơn ông  !
 
H.P (thực hiện)
 

.