Rắc rối khi khám bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Sản – Nhi

01:11, 29/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi Bệnh viện Sản - Nhi đi vào hoạt động, nhiều bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải đi lại nhiều lần để làm các thủ tục cần thiết để chuyển tuyến đến khám tại Bệnh viện Sản - Nhi.

TIN LIÊN QUAN

Bức xúc vì thủ tục

Lúc mới đưa vào hoạt động, do chưa có mã số KCB BHYT nên bệnh nhân khám điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi phải sử dụng mã số KCB BHYT từ BVĐK tỉnh. Nhưng từ giữa tháng 11 đến nay, Bệnh viện Sản - Nhi được cấp mã số KCB BHYT. Do đó, người bệnh (đối tượng khám sản, nhi) đăng ký KCB tại BVĐK tỉnh muốn khám, điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi phải có giấy chuyển tuyến tại BVĐK tỉnh mới được thanh toán KCB BHYT. Theo phản ánh của nhiều bệnh nhân, do vướng thủ tục này nên người bệnh gặp nhiều khó khăn, phải chờ đợi lâu, đi lại nhiều lần...

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Sản- Nhi.
Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Sản- Nhi.


Sáng 27.11, chị Nguyễn Thị Hòa, ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) đến Bệnh viện Sản - Nhi khám bệnh cho con trai là cháu Dương Nguyễn Tuấn Kiệt, nhưng theo yêu cầu của BHYT, chị phải quay về BVĐK tỉnh để làm thủ tục chuyển tuyến. Sau nhiều giờ làm thủ tục vào khám bệnh, chuyển tuyến, chị Hòa mới đưa được con sang Bệnh viện Sản - Nhi để điều trị. Chị Hòa, bức xúc nói: Để làm thủ tục chuyển tuyến mất rất nhiều thời gian, bốc số, vào khám, ký các loại giấy tờ... Tôi nghĩ hai bệnh viện nên phối hợp thông tuyến để giảm thời gian chờ đợi, phiền hà cho người bệnh”.

Chị Nguyễn Thị Thùy Sương, mẹ của bé Đỗ Hòa Khánh Trúc, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) cũng mất nhiều thời gian qua lại mới xin được giấy chuyển tuyến từ BVĐK tỉnh sang Bệnh viện Sản - Nhi khám bệnh cho con. Một số người không thể kiên nhẫn chờ làm thủ tục để chuyển, nên đành khám chữa bệnh vượt tuyến và phải chịu chi phí khám chữa bệnh ngoại trú.

Lý giải về điều này, chị Nguyễn Thị Ngọc Sa, nhân viên khu hành chính Bệnh viện Sản - Nhi, cho biết: Mỗi ngày bệnh viện phải tiếp, hướng dẫn cho hơn 50 trường hợp KCB BHYT có đăng ký thẻ ban đầu tại BVĐK tỉnh. Để người bệnh đỡ mất thời gian chờ đợi ở phòng khám BVĐK tỉnh, chúng tôi hướng dẫn người bệnh nhập viện trực tiếp tại Khoa Cấp cứu tại BVĐK tỉnh để giải quyết thủ tục chuyển tuyến được nhanh hơn. “Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người bệnh bức xúc khi phải đi lại nhiều lần. Đây là thủ tục cần thiết, nên ngoài cố gắng giải thích, tư vấn cho người bệnh, chúng tôi cũng không còn cách nào khác hơn”, chị Sa chia sẻ.

Buộc phải có sự phối hợp

Sau khi đi vào hoạt động, mỗi ngày Bệnh viện Sản - Nhi tiếp hàng trăm lượt người khám chữa bệnh ngoại trú. Tại khu điều trị nội trú, luôn xảy ra tình trạng quá tải bệnh nhân với gần 500 trường hợp điều trị tại đây, trong khi quy mô bệnh viện chỉ 300 giường. Tuy nhiên, do mới đi vào hoạt động, nên bệnh nhân chưa đăng ký KCB BHYT ban đầu tại đây. Nhiều trường hợp bệnh nhân có thẻ BHYT là cán bộ các sở, ngành của tỉnh cũng như người dân khu vực TP.Quảng Ngãi đăng ký KCB BHYT ban đầu tại BVĐK tỉnh.

Trao đổi vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Đức, cho biết: Sau khi có phản ánh về vấn đề này, chúng tôi đã có công văn khẩn yêu cầu hai bệnh viện tạo điều kiện tiếp nhận và chuyển tuyến nhanh nhất đối với người bệnh có đăng ký KCB BHYT ban đầu tại BVĐK tỉnh. Hiện nay, tại BVĐK tỉnh không còn Khoa Sản - Nhi như trước nữa, nên khi có bệnh nhân đến khám sản, nhi, BVĐK tỉnh phải làm thủ tục chuyển viện kịp thời, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.

Sở Y tế cũng đề nghị hai đơn vị có sự phối hợp tốt hơn, nhằm tạo điều kiện khám chữa bệnh cho đối tượng nói trên, tránh gây phiền hà cho người bệnh. Sở Y tế sẽ phối hợp với BHXH tỉnh, tạo điều kiện đổi thẻ đăng ký KCB ban đầu tại Bệnh viện Sản - Nhi cho nhóm đối tượng sản, nhi để người bệnh thuận lợi hơn trong KCB BHYT”, ông Đức cho biết.
    

Bài, ảnh: TRÍ PHONG

 


.