Quảng Ngãi nỗ lực nâng cao chất lượng dân số

09:11, 21/11/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Hiện ngành Dân số tỉnh đang gặp phải khó khăn về nguồn nhân lực cũng như kinh phí hạn chế để thực hiện các hoạt động tuyên truyền. Vượt qua những hạn chế, các chỉ tiêu về dân số tại Quảng Ngãi đã có những chuyển biến tích cực trong những năm gần đây.
 
 
Thiếu nhân lực lẫn kinh phí
 
Là huyện miền núi với 20 xã, thị trấn, song đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên trách dân số tại huyện Ba Tơ chỉ vỏn vẹn có 4 người. Đội ngũ cộng tác viên cơ sở thì cũng rất hạn chế, bởi kinh phí hỗ trợ quá thấp chỉ với 180 ngàn đồng/ tháng.
 
Chị Nguyễn Thị Giọng- cộng tác viên dân số ở thôn Làng Giấy, xã Ba Cung chia sẻ: Địa bàn rộng, công việc nhiều. Trước đây, ở thôn cũng có 2-3 người làm cộng tác viên nhưng vì ngại chuyện trèo đèo, vượt suối, tiền lương quá ít nên không còn ai bám trụ.
 
Ngoài ra, đa số cán bộ chuyên trách dân số không được vào biên chế chính thức nên nhiều người đã bỏ việc, tìm cơ hội khác. Hiện trong toàn tỉnh có 2.700 cộng tác viên. Con số này đã ít đi khá nhiều so với trước kia.

 

Một buổi tuyên truyền về công tác dân số tại thôn Làng Giấy, xã Ba Cung, huyện Ba Tơ
Một buổi tuyên truyền về công tác dân số tại thôn Làng Giấy, xã Ba Cung, huyện Ba Tơ
 
Nhân lực mỏng trong khi đó kinh phí để hoạt động lại càng hạn hẹp hơn. Mỗi năm, nguồn kinh phí của tỉnh chi cho công tác dân số chỉ 4 tỷ đồng. Trong khi có quá nhiều đề án, mô hình và các chương trình để ngành dân số thực hiện. Hiện dù đã gần hết năm 2017, nhưng kinh phí hoạt động của năm vẫn chưa về các địa phương.
 
Ông Nguyễn Duy Hướng, Trung tâm DS-KKHGĐ huyện Ba Tơ cho biết: Kinh phí 2016 thì chúng tôi chỉ mới nhận cách đây 2 tháng. Do không chủ động được nguồn kinh phí nên các nguồn truyền thông cũng hoạt động cầm chừng, không dám triển khai hết các phần của công tác dân số.
 
Đây là tình trạng chung mà các Trung tâm Dân số KHHGĐ đang gặp phải. Ngoài ra, từ năm 2014, ngành dân số bị cắt giảm kinh phí hoạt động gần 40%. Điều này, khiến kinh phí hoạt động đã thiếu nay lại càng thiếu trầm trọng, gây khó cho việc triển khai các hoạt động về dân số.
 
Nỗ lực nâng cao chất lượng công tác dân số
 
Mặc dù kinh phí hạn hẹp và nhân lực mỏng, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì các hoạt động tuyên truyền dân số, nhất là ở các huyện miền núi. Như tại thôn Làng Giấy, xã Ba Cung, công tác truyền miệng về sinh đẻ kế hoạch, cách chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ và trẻ em được thực hiện hàng tháng. Thông qua các buổi tuyên truyền, nhiều chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu hơn về cách để thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
 
Chị Phạm Thị Đinh chia sẻ: Nhờ cán bộ hướng dẫn, mà mình biết chỉ đẻ 2 con thôi để có điều kiện phát triển kinh tế. Ngoài ra, mình còn biết cách nấu các món cháo dinh dưỡng cho con ăn để chống suy dinh dưỡng.
 
Trên địa bàn tỉnh hiện có đến gần 20 câu lạc bộ không sinh con thứ 3 tại khắp các huyện, thành phố trong tỉnh. Trong đó, có 111 thôn, tổ không sinh con thứ 3 liên tục từ 4 -20 năm.

 

Vượt qua những khó khăn, ngành Dân số đã đạt được một số kết quả tích cực về giảm tỷ lệ mức sinh, giảm bất bình đẳng giới khi sinh...
Vượt qua những khó khăn, ngành Dân số đã đạt được một số kết quả tích cực về giảm tỷ lệ mức sinh, giảm bất bình đẳng giới khi sinh...
 
Sự nỗ lực của các địa phương, nhất là các vùng miền núi, ven biển đã góp phần ổn định quy mô dân số trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ mức giảm sinh của Quảng Ngãi năm 2016 duy trì ở mức ổn định 0,2‰. Các biện pháp tránh thai hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra từ 100-110%. Nhiều đề án, mô hình được triển khai đồng bộ và đem lại hiệu quả. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng dân số, giảm mức sinh đáng kể.
 
Ông Đặng Chính- Chi cục trưởng Chi cục Dân số KHHGĐ tỉnh  cho biết: Công tác dân số không chỉ là thực hiện mức giảm sinh mà là nâng cao chất lượng. Ngành luôn lồng ghép thực hiện các Nghị quyết, chỉ đạo của tỉnh để dưa công tác dân số là một trong những ngành mũi nhọn để góp phần nâng cao chất lượng dân số.
 
Từ một tỉnh nằm trong top 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước với 115,1 bé trai/100 bé gái, sau 5 năm từ 2010 – 2015, thực hiện Đề án “ Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” tỷ số này đã từng bước được khống chế và duy trì ở mức 112,3 bé trai/100 bé gái.
 
Các chỉ tiêu khác về dân số như: Tuổi thọ trung bình của người dân, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi đã dần cải thiện và đạt theo chỉ tiêu, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.
 
Những thành tích đạt được đã thấy rõ, nhưng với những khó khăn về kinh phí lẫn nguồn nhân lực, ngành Dân số tỉnh đang đứng trước những thách thức lớn. Do vậy, ngành đang cần một “trợ lực” lớn từ tỉnh lẫn Trung ương để tháo gỡ khó khăn và duy trì được những kết quả đã đạt được trong tiến hình nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.
 
Bài, ảnh: Thiên Vương
 
 

.