Tổng Cục trưởng Dân số: 'Chưa có quy định chính thức đảng viên sinh con thứ ba không bị kỷ luật'

02:10, 20/10/2017
.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình cho biết, hiện vẫn chưa có quy định chính thức nào đề cập đến việc cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 mà không bị kỷ luật.
 
Mặc dù Bộ Y tế kiến nghị “nới” mức sinh và cần có những thay đổi căn bản về quy mô, phân bố, chất lượng dân số, song đến nay vẫn chưa có quy định chính thức. Vậy nhưng, nhiều người vẫn đang hiểu “nới” mức sinh đồng nghĩa với việc sinh con thứ 3 sẽ không bị xử phạt, được sinh con thoải mái...
 
Trả lời phỏng vấn VTC News, ông Nguyễn Văn Tân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS&KHHGĐ, Bộ Y tế) đã giải thích rõ hơn về vấn đề này.

 

Ông Nguyễn Văn Tân - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế).
Ông Nguyễn Văn Tân - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế).

 

- Vừa qua Bộ Y tế có kiến nghị “nới” mức sinh với người dân, điều này có đồng nghĩa với việc từ nay các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 thoải mái mà không lo bị phạt như trước đây?

 
Tôi khẳng định là tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bất kì văn bản chính thức nào quyết định việc này. Tất cả mới chỉ là Nghị quyết thôi, vừa đưa ra trong Hội nghị Trung ương 6 vừa rồi.
 
Nội dung của nghị quyết cũng chỉ đề cập đến việc rà soát lại các quy định trước đây về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, từ đó sửa đổi để phù hợp tùy theo tình hình.
 
Như vậy, chưa có quy định nào về việc sinh con thứ 3 mà không bị xử phạt cả. Nếu ai đó đang hiểu ''nới” mức sinh là có thể sinh con thoải mái là không đúng.
 
- Nếu Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 về chính sách dân số được hiện thực hóa bằng các quy định văn bản cụ thể thì những trường hợp cán bộ đảng viên đã từng bị kỷ luật vì sinh con thứ 3 trước kia có được xem xét lại không?
 
Phải nói là điều này rất khó. Vì từ trước đến nay có chính sách nào của ta khi được ban hành ra mà có chuyện hồi tố đâu.
 
Hầu hết các quy định đều chỉ được thực hiện từ khi bắt đầu có hiệu lực trở đi, rất hiếm, đúng hơn là hầu như không có hồi tố.
 
Điều này cũng có thể hiểu là những trường hợp các cặp vợ chồng đã bị xử phạt vì sinh con thứ 3 trước khi có quy định mới sẽ rất khó được xem xét lại.
 
- Căn cứ vào cơ sở nào để Bộ Y tế có kiến nghị về “nới” mức sinh như hiện nay?
 
Bài học về dân số rõ nhất mà chúng ta có thể thấy đó là Trung Quốc, nước ở sát ngay cạnh Việt Nam. Trung Quốc thực hiện chính sách một con, còn Việt Nam là chính sách hai con.
 
Tôi từng đọc trong một tài liệu của một học giả nghiên cứu về Trung Quốc rất nổi tiếng, trong nghiên cứu, vị học giả này đã chỉ ra rằng chính sách dân số một con mà Trung Quốc đang duy trì như hiện nay đã dẫn đến những hệ quả khác, cụ thể đây đã trở thành 1 trong 6 điểm yếu của quân đội Trung Quốc.
 
Chính vì thế mà ở Việt Nam, ngay từ khi bắt tay vào soạn thảo Nghị quyết Trung ương lần thứ 4, Khóa VII, chúng ta cũng đã rất cân nhắc về chuyện này.
 
Có vị học giả người Trung Quốc nói với tôi là chính sách dân số của Việt Nam rất tuyệt vời. Tuyệt vời vì mặc dù là mật độ dân số của Việt Nam cao gấp 1,8 lần mật độ dân số của Trung Quốc nhưng Việt Nam đã chọn chính sách dân số là “vận động hai con”, nghĩa là rất linh hoạt. Còn phía Trung Quốc lại có quyết định hành chính là “sinh một con”, như vậy là giải pháp cứng nhắc.
 
Thực tế thì chính sách dân số một con ngày càng bộc lộ rất nhiều bất cập, cần phải thay đổi.
 
- Ông vừa nói đến chính sách một con trong dân số tồn tại nhiều bất cập, vậy cụ thể là gì?
 
Đã có rất nhiều bài phân tích, đề cập đến hệ quả của chính sách dân số “một con”, thậm chí cả “hai con”, trong đó chính sách dân số “một con” là rõ nhất. Chính sách dân số “một con” sẽ dẫn đến “hội chứng 4 – 2 – 1”. Mô hình này có nghĩa là 4 ông bà (nội và ngoại), 2 bố mẹ nhưng lại chỉ sinh ra 1 đứa con (cháu) thôi.
 
Từ đó sẽ có những hạn chế của nó và sinh ra nhiều hệ lụy khác.
 
Thứ nhất, vì mỗi gia đình chỉ có một con, nên nghiễm nhiên đứa trẻ đó trở thành “ông hoàng” trong gia đình, được cưng chiều. Từ chỗ đứa trẻ được chiều chuộng sẽ dẫn đến khả năng độc lập của đứa trẻ đó sau này không được cao.
 
Thứ hai, mô hình “4 – 2 – 1”, theo thời gian sẽ bị đảo lộn lại thành “1 – 2 – 4”. Khi ông bà, bố mẹ về già thì sẽ lại thành gánh nặng cho một người. Đó là một người sẽ phải lo cho 6 người (bố mẹ và hai bên ông bà nội ngoại), rất vất vả.
 
Đó là xét về khía cạnh gia đình. Còn xét về khía cạnh tổng thể toàn xã hội thì nó cũng tương tự như vậy.
 
Nên kiến nghị về “nới” mức sinh của ta hiện nay tôi cho rằng là việc làm cần thiết. Có thể nói đây là một bước ngoặt mang tính lịch sử.
 
Tuy nhiên, hiện nay cũng chưa có quy định chính thức đảng viên sinh con thứ 3 không bị kỷ luật.
 
Về cơ bản, chính sách dân số hiện nay của Việt Nam vẫn là đẩy mạnh cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng là nên có hai con.
 
“Nên có hai con” không có nghĩa là cho sinh thoải mái đâu, mà phải hiểu là nếu đã có hai con thì nên dừng, còn nếu ít hơn, ví dụ mới chỉ có một con thì nên sinh thêm. Tinh thần chung của kiến nghị “nới sinh” là như thế.
 
Còn nói “nới sinh” là cho sinh thoải mái, sinh con thứ 3 không bị phạt... là không đúng đâu.
 
- Xin cảm ơn ông!

.