(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, việc tổ chức hiến máu luân phiên trong năm tại các địa phương được coi là hướng đi hiệu quả cho phong trào hiến máu ở cơ sở, nhận được sự đồng tình của nhiều người tham gia hiến máu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vừa qua, huyện Mộ Đức đã tổ chức hiến máu đợt 2 năm 2017. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nên đã thu hút đông đảo người dân ở 13 xã, thị trấn tham gia hiến máu. Kết thúc đợt hiến máu, ban tổ chức thu nhận được 250 đơn vị máu. Được biết, từ đầu năm đến nay, huyện Mộ Đức đã tiếp nhận 1.042 đơn vị máu, cung cấp cho Bệnh viện Đa khoa huyện Mộ Đức và Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Đoàn viên thanh niên tham gia hiến máu tại Khoa Huyết học và truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Trưởng Khoa Huyết học và truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ Huỳnh Thị Thuận, cho biết: Những năm trước đây, việc tổ chức hiến máu chỉ thực hiện tập trung và đồng loạt tại các địa phương vào ngày Toàn dân hiến máu (7.4) hoặc dịp trước Tết Nguyên đán, dẫn đến số lượng người tham gia hiến máu đông, ồ ạt, gây khó khăn cho công tác tiếp nhận, bảo quản, sử dụng máu cũng như chăm sóc người hiến máu, trong khi đó có nhiều thời điểm lại thiếu máu trầm trọng.
Vì vậy, để nguồn máu dự trữ được phân bổ hợp lý và đảm bảo chất lượng theo đúng thời hạn sử dụng, các y, bác sĩ trong khoa tổ chức tiếp nhận máu ngoài bệnh viện 3-4 lần/tháng luân phiên ở các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Đồng thời, các địa phương, đơn vị cũng phối hợp với nhau để xây dựng lịch vận động xen kẽ, tránh chồng chéo để đảm bảo lượng máu tiếp nhận được phân bổ hợp lý trong từng thời điểm.
Đến nay, 14 huyện, thành phố cùng các đơn vị đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đều tổ chức hiến máu tình nguyện luân phiên, tạo nên những nét mới cho phong trào hiến máu tình nguyện. Đơn cử như huyện Trà Bồng, trước đây do đặc điểm là huyện miền núi, việc hiến máu tập trung vào một thời điểm nên không thu hút được người dân tham gia. Đến nay, một năm chia làm 2 đợt hiến máu, nên người dân có thể lựa chọn thời điểm hiến máu phù hợp để tham gia. Do đó, tỷ lệ người tham gia hiến máu ở nhiều xã đều cao hơn trước, như xã Trà Bình, Trà Sơn và thị trấn Trà Bồng.
Anh Hồ Thanh Hiệp, ở huyện Trà Bồng, có 7 lần tham gia hiến máu, cho biết: “Trước kia, muốn hiến máu phải đến bệnh viện tỉnh hoặc chờ đến ngày hội hiến máu toàn dân tổ chức tại huyện. Nhưng thời gian gần đây, trong năm huyện tổ chức vài đợt, có thông báo rõ ràng, nên mình có thể chủ động thời gian để tham gia”, anh Hiệp cho biết.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Mộ Đức Huỳnh Thị Thùy Trang, cho biết: Để hoạt động hiến máu diễn ra thuận lợi, đạt hiệu quả, ngay từ những tháng đầu năm, Hội đã tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức hiến máu tình nguyện. Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện cũng ra công văn yêu cầu UBND các xã tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã để cán bộ, nhân dân hiểu được ý nghĩa của việc hiến máu cứu người, thông báo lịch hiến máu cụ thể đến từng thôn, tổ dân phố. Do có sự phối hợp chặt chẽ giữa ban tổ chức với địa phương, nên các đợt hiến máu tình nguyện đều rất thành công.
Công tác tổ chức, tiếp nhận máu cũng thuận tiện hơn do số lượng người đến hiến máu không dồn dập vào một thời điểm. Giấy chứng nhận tham gia hiến máu cũng được cấp kịp thời, ít xảy ra nhầm lẫn. Thời gian tổ chức hiến máu rút ngắn, nên ban tổ chức và người tham gia đều cảm thấy thoải mái.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Phó Trưởng Ban vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Nguyễn Tấn Đối, cho biết: Năm 2017, tỉnh ta phấn đấu đạt chỉ tiêu thu nhận 9.900 đơn vị máu, nhưng đến thời điểm này đã vận động được trên 12.500 đơn vị máu. Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức, giảm bớt những thủ tục rườm rà và tạo mọi điều kiện thuận lợi, để người đăng ký tham gia hiến máu cảm thấy thoải mái nhất, góp phần để công tác hiến máu tình nguyện ngày càng được lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và đáp ứng nhu cầu sử dụng máu cho các bệnh viện trong tỉnh
Bài, ảnh: VŨ YẾN