Nguy cơ cao lây lan bệnh tay chân miệng

09:08, 04/08/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Dù thời điểm này không phải là cao điểm của dịch, nhưng bệnh tay chân miệng có nguy cơ lây lan nhanh. Số bệnh nhi mắc phải bệnh này tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

 
Cháu Phạm Gia Phát mới hơn 7 tháng tuổi đang được điều trị tay chân miệng tại khu cách ly của Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Với triệu chứng ban đầu là sốt cao liên tục, cháu được gia đình đưa đi khám bác sĩ tư thì được chẩn đoán là viêm đường hô hấp trên. “Nhưng uống thuốc vẫn không đỡ, cháu lại có nhiều nốt bọng nước ở tay chân. Lúc này gia đình mới tá hỏa biết cháu bị tay chân miệng và đưa vào nhập viện”- chị Trần Thị Điệu, mẹ cháu Phát chia sẻ.
 
Hiện rất nhiều bệnh nhi đang phải nằm điều trị nội trú tại các bệnh viện do bệnh tay chân miệng. Với những biểu hiện sốt cao, xuất hiện bóng nước, nhiều phụ huynh có thể dễ dàng phát hiện để đưa con em mình đến các cơ sở y tế khám, điều trị kịp thời.

 

Trẻ bị tay chân miệng thường xuất hiện các nốt bọng nước ở tay, chân, đầu gối và vết lở loét trong miệng
Trẻ bị tay chân miệng thường xuất hiện các nốt bọng nước ở tay, chân, đầu gối và vết lở loét trong miệng
 
Cũng có nhiều trường hợp trẻ bị tay chân miệng nhưng lại không xuất hiện triệu chứng rõ ràng. Điều này đã khiến các bậc cha mẹ chủ quan, không theo dõi bệnh kịp thời. Như trường hợp của con trai anh Mai Đình Tẩn ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa).
 
Cháu xuất hiện các triệu chứng ói mửa, sốt cao dẫn đến co giật không rõ nguyên nhân. Gia đình vẫn để cháu ở nhà mãi đến khi các triệu chứng ngày càng nặng thì mới đưa vào bệnh viện và được chẩn đoán bị tay chân miệng ở mức độ nặng.
 
Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông.
 
Theo khuyến cáo của bác sĩ, bệnh tay chân miệng có thể dễ dàng điều trị theo 4 mức độ khác nhau của bệnh. Nhưng nếu người lớn chủ quan thì trẻ dễ mắc phải các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim với các dấu hiệu sốt cao li bì, tay chân yếu, run, hơi thở nhanh, khó khăn, hay giật mình... Lúc này, tính mạng của trẻ vô cùng nguy hiểm.

 

Hiện Khu cách ly ở Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đang có gần 20 bệnh nhi được điều trị nội trú
Hiện Khu cách ly ở Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đang có gần 20 bệnh nhi được điều trị nội trú
 
Tại Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, hiện khu vực cách ly dành riêng cho bệnh nhi mắc tay chân miệng đang điều trị cho gần 20 cháu. “Thời kỳ cao điểm của dịch là tháng 4-5 nhưng hiện nay bệnh vẫn đang có dấu hiệu gia tăng đột biến với 5-7 bệnh nhi nhập viện vì tay chân miệng mỗi ngày.”- Bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ- Trưởng Khoa Nhi cho hay.
 
Để ngăn ngừa bệnh lây lan, các gia đình có con nhỏ cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của trẻ bằng cloramin B; Vệ sinh tay chân sạch sẽ bằng xà phòng tiệt trùng sau khi đi vệ sinh và trước các bữa ăn... Theo nhận định của các chuyên gia y tế dự phòng, mức độ nguy hiểm của bệnh tay chân miệng sẽ không kém dịch sởi nếu chúng ta chủ quan, không có các biện pháp chủ động phòng, chống.
 
Bài, ảnh: Thiên Vương
 
 
 

.