(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, do khó khăn về kinh phí, nên công tác dân số ở nhiều địa phương thiếu ổn định, nhưng huyện miền núi Minh Long vẫn duy trì chỉ tiêu giảm sinh thấp, dẫn đầu tỉnh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Minh Long là huyện duy nhất của tỉnh thành lập mô hình “Thực hiện chính sách dân số”. Trong 4 năm qua, thông qua mô hình này mà công tác dân số ở Minh Long đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng. Từ 5 CLB được thành lập tại 5 xã vào năm 2013, đến nay huyện đã có 24 CLB/43 thôn.
Cán bộ dân số tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ cho chị em phụ nữ ở xã Long Sơn. |
Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Minh Long Lê Vũ Lương cho biết, trước thực trạng tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng ở một số thôn; tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao; phụ nữ mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa nhiều; mang thai trước tuổi, tảo hôn... vẫn còn diễn ra, Trung tâm đã tham mưu cho Ban chỉ đạo Công tác DS-KHHGĐ huyện và UBND huyện thành lập mô hình CLB “Thực hiện chính sách DS-KHHGĐ”.
Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nguyễn Văn Quang cho rằng, mô hình CLB “Thực hiện chính sách DS-KHHGĐ” triển khai ở huyện Minh Long là mô hình mới của tỉnh. Các mô hình, đề án chương trình mục tiêu DS-KHHGĐ cấp trên giao được huyện chỉ đạo cụ thể hóa và đưa vào quy chế hoạt động của CLB, nên đạt được kết quả cao trong hoạt động. Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh xem đây là điểm sáng để tổ chức cho các huyện học tập kinh nghiệm. |
Đây là mô hình mới, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Hằng tháng, trung tâm phối hợp với các xã, Ban Chủ nhiệm CLB tổ chức phổ biến các quy định về công tác DS-KHHGĐ để người dân am hiểu hơn về chính sách dân số. Các mô hình đã duy trì sinh hoạt định kỳ với hơn 2.000 lượt hội viên tham dự.
Thông qua CLB, hội viên không những được trang bị kiến thức KHHGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc, có lối sống văn minh, lành mạnh mà còn đóng góp quỹ để giúp đỡ nhau trong cuộc sống và làm kinh phí hoạt động.
Nguồn quỹ của các CLB cũng được sử dụng giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay mượn để phát triển sản xuất; hỗ trợ đột xuất những gia đình ốm đau, hoạn nạn; khen thưởng các cháu gái trong gia đình sinh con một bề học khá, giỏi... Tổng số tiền quỹ của các CLB đến nay gần 11 triệu đồng, đã hỗ trợ cho 6 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà cho 21 em gái có thành tích học tập khá, giỏi là con của hội viên.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Long Mai Trần Nữ Vương Phương, chia sẻ: “Lúc đầu, đa số bà con dân tộc thiểu số cho rằng có thêm con để lao động sản xuất, phải sinh con trai... nên công tác tuyên truyền gặp nhiều trở ngại. Từ khi thành lập 6 CLB ở các thôn, người dân tham gia sinh hoạt đầy đủ, nhận thức về công tác dân số được nâng lên. Số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai tăng, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn xã chỉ có 3 trường hợp sinh con thứ 3”. Bên cạnh mô hình đó, huyện Minh Long cũng đã đổi mới trong công tác truyền thông, đó là nói dễ hiểu, dễ làm, dễ nhớ...
Đặc biệt là, thông tin đến người dân về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của địa phương giảm còn 8,93%o, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm dưới 6%. Ông Lương cũng cho biết, để duy trì hiệu quả hoạt động của các CLB, chính quyền địa phương cần quan tâm hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động.
Bài, ảnh: Trí Phong