Điểm sáng trong công tác dân số ở Ba Tơ

01:06, 08/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Hrê, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng xã miền núi Ba Khâm (Ba Tơ) nhiều năm qua luôn duy trì tốt chính sách DS-KHHGĐ.
 
 
Chứng kiến buổi sinh hoạt định kỳ của chị em phụ nữ xã Ba Khâm, chúng tôi nhận thấy các chị tham gia khá sôi nổi. Chị em được cán bộ dân số và y tế xã tuyên truyền những chủ trương, chính sách về công tác DS-KHHGĐ; thực hành dinh dưỡng để phòng, chống suy dinh dưỡng cho con em mình.  
 
Chị Phạm Thị Bét (25 tuổi) ở thôn Vảy Ốc, xã Ba Khâm, chia sẻ: “Sau những buổi làm đồng, đi rẫy, mình được sinh hoạt tập thể thế này rất bổ ích và vui, vì không những biết cách nuôi, chăm sóc con mà còn nắm được các phương pháp tránh thai hiện đại để thực hiện KHHGĐ”.
 
Chị Nguyễn Thị Kim Mai, cán bộ Trạm Y tế xã Ba Khâm, cho biết: “Nhiều phụ nữ ở miền núi còn nặng việc mưu sinh, nên việc nuôi con còn theo kiểu “trời sinh voi, sinh cỏ”, nên chúng tôi phải hướng dẫn để chị em biết cách phòng chống suy dinh dưỡng cho con”.
 
Trong những năm qua, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở Ba Khâm là do xuất phát từ nhận thức của người dân. Vì thế, UBND xã đã phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao kiến thức DS-KHHGĐ cho người dân. Ban DS-KHHGĐ xã đã rà soát, khảo sát nắm bắt tình hình chung về dân số trên địa bàn để xây dựng kế hoạch truyền thông từng tháng, quý.
 
 
Chị em phụ nữ xã Ba Khâm được truyền thông kiến thức về DS-KHHGĐ.
Chị em phụ nữ xã Ba Khâm được truyền thông kiến thức về DS-KHHGĐ.
 
Phối hợp cùng các hội, đoàn thể tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về CSSKSS/KHHGĐ; phối hợp với trạm y tế xã tư vấn cho các đối tượng là phụ nữ mang thai, về cách chăm sóc bà mẹ trước và sau sinh, tuyên truyền lồng ghép tại các buổi họp thôn về quy định chính sách dân số, phòng chống suy dinh dưỡng, tảo hôn.
 
Duy trì sinh hoạt các CLB phụ nữ không sinh con thứ 3, thôn không sinh con thứ 3. Anh Phạm Văn Lanh-cán bộ dân số xã cho biết: Hoạt động truyền thông còn hướng đến những người cao tuổi và vị thành niên để các gia đình hiểu và thực hiện tốt chính sách, pháp lệnh về dân số.
 
Xác định tuyên truyền phải kiên trì theo hình thức “mưa dầm thấm lâu”. Chúng tôi đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động, thuyết phục người dân. Nhờ đó, nhận thức của người dân đã thay đổi theo hướng tích cực, nhất là những người sinh con một bề. 
 
Nhờ thực hiện tốt công tác truyền thông và vận động, nhận thức của đồng bào Hrê về công tác DS-KHHGĐ đã có những thay đổi rõ rệt; tỷ lệ sinh con thứ 3 năm sau thấp hơn năm trước, số người sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng.
 
Năm 2016, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở địa phương giảm còn dưới 6%; 100% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại để bảo vệ sức khoẻ, tạo điều kiện chăm sóc 2 con tốt hơn, có thời gian tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xoá nghèo, làm giàu...
 
Chủ tịch UBND xã Ba Khâm Phạm Văn Dút phấn khởi nói: “Trước đây, nhiều hộ có tư tưởng trời sinh voi, trời sinh cỏ; phải có con trai, nên tình trạng đẻ dày, đẻ nhiều rất phổ biến. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách dân số, người dân đã nhận ra lợi ích của việc sinh ít con, nên chấp hành nghiêm túc chính sách DS-KHHGĐ”. 
 
 
 
 
Bài, ảnh: TRÍ PHONG
 
 

.