Đề án kiểm soát dân số vùng biển: Gặp khó về kinh phí

01:07, 16/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 6 năm qua, Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo (gọi tắt là Đề án 52) đã góp phần nâng cao chất lượng dân số và kiểm soát mức sinh cao tại các địa phương vùng biển. Tuy nhiên, thời gian gần đây do thiếu kinh phí, đã ảnh hưởng nhất định đến việc duy trì mức sinh ở các địa phương này.
 

TIN LIÊN QUAN

Là một trong những địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao trên địa bàn tỉnh (trên 12- 14%/năm), huyện Đức Phổ đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác nâng cao chất lượng dân số. Thực hiện Đề án 52, hàng nghìn lượt chị em phụ nữ ở 6 xã ven biển được khám sức khỏe, tư vấn, điều trị viêm nhiễm phụ khoa, KHHGĐ, chăm sóc thai kỳ...

Với đặc thù nghề biển, nhiều chị em phụ nữ vùng biển rất cần chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Với đặc thù nghề biển, nhiều chị em phụ nữ vùng biển rất cần chăm sóc sức khỏe sinh sản.


Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Nguyễn Thị Phương Thảo, cho biết: “Người dân vùng ven biển thường tiếp xúc môi trường có độ ẩm cao, nên dễ bị viêm nhiễm. Nam giới thường xuyên đi biển dài ngày, ít được tiếp cận với các chính sách DS-KHHGĐ, có tư tưởng muốn sinh con trai để nối nghiệp đi biển. Nhận thức của người dân về chăm sóc SKSS, thai nhi và trẻ sơ sinh còn hạn chế. Vì vậy, việc triển khai thực hiện Đề án 52 là hết sức cần thiết”.

Tuy nhiên, theo bà Thảo, trong 3 năm gần đây, kinh phí từ chương trình mục tiêu bị cắt giảm, chậm cấp. Kinh phí thực hiện Đề án 52 tại 6 xã không đủ triển khai các hoạt động, dẫn đến công tác truyền thông, tư vấn nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về SKSS - KHHGĐ... hiệu quả chưa cao; đội ngũ cộng tác viên dân số nhiều việc, nhưng phụ cấp ít, khiến họ thiếu nhiệt tình với công việc.

TP.Quảng Ngãi cũng gặp khó về kinh phí, trong khi có nhiều xã biển tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn khá cao như Nghĩa An, Nghĩa Phú, Tịnh Kỳ... Gia đình anh N, ở xã Nghĩa An là một trong những điển hình, dù đã sinh đến 6 con (đều là gái), nhưng gia đình anh vẫn quyết sinh đứa thứ 7 để mong kiếm con trai. Đây cũng là tâm lý chung của không ít cư dân vùng biển, dẫn đến tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng cao trên 20%.

Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ TP.Quảng Ngãi Lê Thị Ánh Sương, cho biết: Việc thiếu kinh phí hoạt động từ năm 2016 đến nay, ảnh hưởng rất lớn đến công tác truyền thông và duy trì mức sinh ổn định”. Dù vậy, một số địa phương cũng đã linh động, tạm ứng kinh phí tổ chức khám, tư vấn chăm sóc SKSS cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Từ đầu năm 2017 đến nay, thông qua Đề án 52, toàn tỉnh có gần 11 nghìn phụ nữ chăm sóc SKSS.

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đặng Chính, cho biết: Dân số các xã thuộc vùng biển đảo, ven biển chiếm 25% dân số toàn tỉnh. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở khu vực này khá cao. Kinh phí thực hiện Đề án 52 cấp không kịp thời, ảnh hưởng lớn đến hoạt động truyền thông. Do thiếu kinh phí nên Trung tâm DS-KHHGĐ một số huyện chỉ dừng lại ở việc kết hợp với các hoạt động lồng ghép của các ban ngành, đoàn thể khác, nên hiệu quả đạt được không cao.

Cùng với đó, nhận thức người dân vẫn còn nặng tư tưởng bao cấp, miễn phí trong dịch vụ KHHGĐ, nên việc xã hội hóa trong công tác truyền thông xã hội, thực hiện các biện pháp tránh thai gặp nhiều khó khăn. Do đó, công tác dân số hiện nay cần có sự thay đổi lớn trong phương thức hoạt động, trong đó phải làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức đối  với người dân.

Bài, ảnh: TRÍ PHONG
 


.