(Báo Quảng Ngãi)- Để thực hiện mục tiêu giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số, những năm qua, huyện Tư Nghĩa đã huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Nhiều biện pháp được huyện triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả cao.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) từng là địa phương “nóng” chuyện sinh con thứ 3 trở lên, nhưng đến nay tốc độ gia tăng dân số tự nhiên đã được khống chế ở mức ổn định. Cán bộ chuyên trách dân số xã Nghĩa Hiệp Lương Thị Điệp cho biết, hơn 5 năm trước, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn xã luôn xấp xỉ 20%. Công tác vận động bà con thực hiện chính sách DS-KHHGĐ gặp nhiều khó khăn, bởi quan niệm “đông con hơn nhiều của”.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Nghĩa Kỳ tư vấn kiến thức về DS-KHHGĐ cho chị em phụ nữ ở địa phương. |
Trước thực tế trên, các cấp ủy đảng, chính quyền xã Nghĩa Hiệp đã áp dụng các biện pháp cứng rắn để thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Hộ gia đình sinh con thứ 3 trở lên sẽ bị cắt danh hiệu gia đình văn hóa, cắt các khoản hỗ trợ đối với hộ nghèo. Đối với đảng viên, cán bộ vi phạm chính sách dân số sẽ bị xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, chính quyền xã hỗ trợ kinh phí thường xuyên, đồng thời chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bà con trong thực hiện chính sách dân số; đồng thời đưa việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ vào chỉ tiêu thi đua đối với từng thôn. Nhờ đó, tỷ lệ sinh con thứ 3 của xã đến nay đã giảm dưới 12%.
Còn tại xã Nghĩa Kỳ, nhiều năm qua tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cũng ở mức cao. Cán bộ chuyên trách dân số xã Nguyễn Thị Tiếp cho hay, để hạn chế tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, gần 30 cộng tác viên dân số đứng cánh ở địa bàn 9 thôn đã tích cực phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Nhờ đó đã phần nào hạn chế được tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Đến nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 của xã giảm còn hơn 11%.
Có thể nói, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện Tư Nghĩa thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Quy mô gia đình 2 con được chấp nhận rộng rãi; tốc độ gia tăng dân số tự nhiên được khống chế, hiện giảm còn dưới 0,8%. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm còn 2,01 con. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 15,2% giảm còn 11,9%.
Tư Nghĩa từng là địa phương “nóng” về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, với tỷ suất giới tính nam/nữ khi sinh khá cao (122 nam/100 nữ). Trước thực trạng này, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã triển khai mô hình can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại các xã, thị trấn; tổ chức hội thảo chuyên đề về giới, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất, xây dựng gia đình văn hóa... Nhờ đó, đến nay tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn huyện giữ ở mức ổn định.
Tuy nhiên, hiện nay công tác DS-KHHGĐ ở huyện Tư Nghĩa vẫn còn gặp trở ngại. Quan niệm có con trai để nối dõi tông đường vẫn còn ở một bộ phận không nhỏ trong nhân dân, nhất là các vùng nông thôn. Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Tư Nghĩa Phạm Văn Phúc cho biết, trong thời gian tới, huyện Tư Nghĩa tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và đầu tư nguồn lực cho việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên ở cơ sở; huy động sự tham gia tích cực của các cấp mặt trận, các tổ chức hội, đoàn thể, tổ chức xã hội để tuyên truyền, vận động thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, từng bước ổn định quy mô dân số và nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.
Bài, ảnh: KIM NGÂN