(Baoquangngai.vn)- Hiện toàn tỉnh Quảng Ngãi có gần 50% bệnh viện, trung tâm y tế đã thành lập Khoa Đông y đang hoạt động với hiệu quả cao. Ngành Y tế đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% bệnh viện tuyến huyện có Khoa Đông y vào năm 2020.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Năm 2014, Bệnh viện Đa khoa Dung Quất chính thức hoạt động theo mô hình bệnh viện công trực thuộc Sở Y tế Quảng Ngãi quản lý. Từ đó, Khoa Đông y của Bệnh viện được củng cố và hoạt động trở lại để phục vụ nhu cần điều trị kết hợp đông - tây y của người bệnh. Tại đây, hiện trung mình mỗi ngày có đến 50 bệnh nhân điều trị nội trú và gần 60 bệnh nhân ngoại trú.
Nằm tại Khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa Dung Quất hơn 2 tuần, ông Dương Đình Trung ngụ ở xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn với bệnh viêm vai gáy đang có dấu hiệu hồi phục tích cực. Điều trị bằng các phương pháp điện châm, laser châm kết hợp với uống thuốc đông y, ông Trung khá hài lòng khi bệnh đã suy giảm.
Nhiều bệnh nhân đang nằm điều trị hiệu quả tại Khoa Đông Y ở bệnh viện tuyến huyện |
"Nằm ở đây không có cảnh quá tải, ghép giường như khi lên tuyến tỉnh, mà lại gần nhà. Những người cần đến y học cổ truyền thường đã lớn tuổi, nên rất ngại đi điều trị ở xa. Vừa tốn kém, lại vừa khổ cho con cháu, người thân đi theo chăm sóc”- ông Trung tâm sự.
Bác sĩ Nguyễn Văn Minh- Khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa Dung Quất cho hay: Việc áp dụng các phương pháp đông y không chỉ đạt hiệu quả cao trong điều trị các bệnh mãn tính như: Tai biến mạch máu não, bệnh lý thần kinh ngoại biên, xương khớp, trĩ… mà còn điều trị thành công một số bệnh lý khác như: Rối loạn kinh nguyệt, đau thống kinh, rong kinh, động thai, viêm da chàm hóa, viêm nhiễm phụ khoa…
Hiện Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh luôn trong tình trạng quá tải khi số giường thực kê chỉ dừng lại ở con số 70. Trong khi đó, công suất sử dụng luôn gấp đôi. Do vậy, Khoa Đông Y ở bệnh viện tuyến huyện hoạt động hiệu quả như Bệnh viện đa khoa Dung Quất sẽ giúp giảm thiểu tình trạng quá tải ở tuyến trên.
Cách đây hơn 5 năm, mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh YHCT trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Trang thiết bị nghèo nàn, nhân lực yếu và thiếu. Ở tuyến xã, tuyến huyện, cán bộ chuyên môn có trình độ về y dược cổ truyền rất ít. Nhưng đến hiện tại, đã có trên 70% các trạm y tế xã đều có phòng đông y, vườn thuốc Nam và tiếp nhận điều trị bệnh nhân bằng phương pháp đông y.
Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2020 sẽ thành lập Khoa Đông Y ở 100% bệnh viện tuyến huyện nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân |
Tại tuyến huyện, hiện đã có gần 50% Bệnh viện, Trung tâm Y tế đã thành lập được khoa đông y. Các khoa đông y đều có bác sỹ hoạt động và đều thực hiện việc kê đơn, bốc thuốc theo chỉ định của bác sĩ cho người bệnh.
Đó là kết quả của việc thực hiện Quyết định 2166 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020. 5 năm qua, Ngành Y tế Quảng Ngãi đã tập trung phát triển mạng lưới y học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở. Theo đó, ngoài việc đưa vào hoạt động Bệnh viện YHCT tỉnh, mạng lưới YHCT tuyến cơ sở cũng được củng cố.
Trên địa bàn tỉnh, hiện người mắc các bệnh mãn tính, không lây nhiễm ngày càng nhiều. Trong đó, có các bệnh thoái hoá khớp, thoái hoá đốt sống, xơ vữa động mạch… và nhiều loại bệnh khác mà người dân có nhu cầu khám, chữa bệnh bằng YHCT.
Để đáp ứng nhu cầu ấy, năm 2017, Sở Y tế Quảng Ngãi sẽ tiếp tục hoàn thiện mạng lưới YHCT theo các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển YHCT giai đoạn 2016 - 2020 của ngành. Theo đó, Ngành Y tế sẽ tiến hành xây dựng giai đoạn II Bệnh viện YHCT tỉnh với quy mô 150 giường bệnh. Tại tuyến huyện sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở vật chất đầu tư trang thiết bị và nguồn nhân lực để các Bệnh viện, Trung tâm Y tế đủ điều kiện thành lập Khoa Đông Y theo quy định.
Ngoài nguồn kinh phí của Ngành Y tế, các bệnh viện cũng nỗ lực để hoàn thiện, củng cố mạng lưới YHCT, để đến năm 2020, 100% bệnh viện tuyến huyện đều có khoa đông y theo đúng kế hoạch của Chính phủ đã đề ra.
Bài, ảnh: Thiên Vương