(Baoquangngai.vn)- Là những người trẻ với tuổi nghề còn khá ít, họ tình nguyện xin về làm công việc chữa bệnh, cứu người ở các huyện miền núi của Quảng Ngãi. Ở những bác sĩ ấy, bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ đang bùng cháy, thôi thúc họ hết lòng cống hiến vì nghề.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chia sẻ với bệnh nhân nghèo
Công tác tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây đến nay vừa tròn 2 năm, bác sĩ Phạm Hữu Nghĩa (sn 1992) vẫn còn nhớ như in ngày đầu bước vào nghề thật bỡ ngỡ. Em đăng ký làm việc ở một trong những huyện xa xôi nhất của Quảng Ngãi để xem đây là trải nghiệm giúp mình trưởng thành hơn.
Nhưng Nghĩa không lường trước được những khó khăn khi lần đầu tiếp xúc với đồng bào địa phương. Trở ngại về ngôn ngữ, phong tục tập quán lẫn việc sử dụng máy móc hiện đại... khiến chàng bác sĩ trẻ nhiều phen bối rối. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, Nghĩa đã vượt qua những trở ngại ấy để trở thành một trong những bác sĩ tận tâm, được đồng bào Ca Dong yêu quý.
Bác sĩ Phạm Hữu Nghĩa ngoài tận tâm với công tác chữa bệnh, cứu người, còn nhiệt tình chia sẻ với những hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn |
Được phân công về làm ở khoa khám cấp cứu với áp lực công việc vô cùng lớn, nhưng Nghĩa không hề chùn bước. “Tập tục ở đây là hễ có bệnh thì cúng bái. Đến chừng nào bệnh nặng quá rồi mới chuyển vào viện. Với những trường hợp ấy thì điều trị rất khó nhưng em cũng cố gắng khuyên nhủ họ là có bệnh thì phải đến bác sĩ mới khỏi. Và để nói chuyện gần gũi với họ thì em đã giành thời gian học tiếng địa phương của đồng bào”- Nghĩa chia sẻ về cách tiếp cận với bệnh nhân.
Trung tâm Y tế huyện miền núi còn thiếu thốn nhiều, nên nhiều ca bệnh phải chuyển viện. Điều đáng nói, hầu hết các trường hợp ấy đều vô cùng nghèo khó. Họ đến viện mà không hề có đồng tiền nào trong túi. Cảm thương với những hoàn cảnh ấy, bác sĩ Nghĩa cùng nhiều anh chị em đồng nghiệp đã tự bỏ tiền, huy động gom góp ủng hộ cho bệnh nhân. Bất cứ hoàn cảnh nào cần giúp đỡ, Nghĩa luôn dang tay giúp đỡ một cách nhiệt tình.
“Cách đây vài hôm, có một sản phụ bị thai ngoài tử cung vỡ vô cùng nguy hiểm. Nhưng gia đình chẳng có tiền để chuyển viện. Thì anh em trong khoa cũng góp được 1 triệu đồng gọi là tiền xăng xe cho bệnh nhân. Tuy không nhiều, nhưng đó là tấm lòng của người làm nghề y”- bác sĩ Nghĩa bày tỏ.
Với đồng lương ít ỏi của người mới vào nghề, nhưng Nghĩa vẫn không hề tính toán, luôn dành một phần tiền từ số lương ấy để hỗ trợ cho những trường hợp bệnh nhân nghèo khó như vậy. Với những người làm nghề y, ngoài tinh thần trách nhiệm vì người bệnh, tấm lòng chia sẻ với những khó khăn của bệnh nhân là điều đáng trân quý.
Luôn nỗ lực vì bệnh nhân
Cũng là một bác sĩ trẻ vừa bước vào nghề được 4 năm, bác sĩ Hồ Thị Nghĩa (sn 1987) hiện công tác tại Khoa Nội Nhi, Trung tâm y tế huyện Sơn Hà luôn giữ trong mình bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Với Hồ Thị Nghĩa, được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng là ước mơ từ nhỏ. Thế cho nên, khi ước mơ ấy trở thành sự thật, nữ bác sĩ trẻ luôn dành thái độ nâng niu, trân trọng với nghề.
Nữ bác sĩ Hồ Thị Nghĩa là một trong những người trẻ giành nhiều tâm huyết với nghề |
Ngoài việc hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao tại Trung tâm, nữ bác sĩ luôn hăng hái trong các hoạt động tình nguyện chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ở bất cứ hoạt động khám ngoại viện nào, bác sĩ Hồ Thị Nghĩa luôn hăng hái tham gia bất kể là phải leo rừng, lội suối 4-5 tiếng đồng hồ để về đến cơ sở.
“Em muốn về với đồng bào để hiểu hơn về cuộc sống còn nhiều khốn khó của họ và hy vọng mình có thể giúp họ chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Em luôn tự nhủ với mình rằng, để gắn bó với nghề y lâu dài thì cần phải hiểu bệnh nhân và xem bệnh nhân như người nhà của mình”- nữ bác sĩ trẻ thổ lộ.
Kể lại ấn tượng sâu sắc nhất với bệnh nhân từ khi vào nghề, nữ bác sĩ không giấu sự xúc động: “Đó là ca trực đầu tiên của mình, nhưng lại gặp phải một trường hợp bị đứt động mạch vàng, mạch không, huyết áp không. Lúc đó, mình bối rối lắm, chưa có kinh nghiệm nhiều nhưng mình cố gắng trấn tĩnh là làm theo những kiến thức đã học. Sau 5-10 phút cấp cứu, bệnh nhân ấy hồi tỉnh trở lại. Lúc đó, cảm xúc của mình vỡ òa, mình đã khóc vì vui mừng”.
Từ lúc đó, nữ bác sĩ đã thấu hiểu được sự trông chờ, hy vọng của người nhà bệnh nhân đối với những người thầy thuốc. Cũng chính điều ấy, luôn thôi thúc bác sĩ Hồ Thị Nghĩa tận tụy với công việc, hết lòng chữa bệnh, cứu người. Bên cạnh đó, nữ bác sĩ trẻ luôn dành thời gian tìm hiểu, học hỏi thêm kiến thức để làm tốt hơn trong công tác chuyên môn.
Là những người trẻ làm nghề Y, bác sĩ Phạm Hữu Nghĩa hay nữ bác sĩ Hồ Thị Nghĩa luôn giữ trong mình ngọn lửa đam mê vì nghề. Ở họ, ngoài trách nhiệm chữa bệnh, cứu người, tình yêu thương, tấm lòng hướng về người bệnh luôn được họ giữ gìn và nuôi dưỡng.
Bài, ảnh: Thanh Phương