(Baoquangngai.vn)- Ngành Y tế Quảng Ngãi xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng khám và điều trị. Do vậy, ngoài việc thực hiện 100% Trạm Y tế xã có bác sĩ, ngành Y tế đã có những bước đột phá về nguồn nhân lực trong thời gian qua.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Củng cố nguồn nhân lực tuyến cơ sở
Thời gian qua, toàn ngành đã tiếp nhận trên 50 bác sĩ được đào tạo theo địa chỉ sử dụng đã tốt nghiệp và về công tác tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh. Hiện 100% các Trạm Y tế tuyến xã đều đã có bác sĩ khám và điều trị.
Đây là tin vui cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các vùng sâu, vùng xa ở các huyện miền núi. Bởi, người dân nơi đây đã thoát khỏi cảnh phải lặn lội hàng chục km để lội về huyện, tỉnh để khám, điều trị những bệnh đơn giản.
“Không vui sao được, khi đoạn đường từ xã về trung tâm huyện vừa xa lại vừa khó đi. Những lúc đau ốm, ngày xưa dân làng tin vào việc cúng con ma rừng, nhưng giờ thì chỉ tin mỗi bác sĩ ở trạm Y tế. Vì bác sĩ khám và cho thuốc uống, già mới đỡ đau”- ông Phạm Văn Trớ (71 tuổi) ngụ ở thôn Làng Trui, xã Ba Tiêu bộc bạch.
Bác sĩ Nguyễn Thị An đang công tác tại khoa Y học cổ truyền, bệnh viên Đa khoa Dung Quất |
Thời gian qua, bên cạnh việc củng cố mạng lưới y tế cơ sở, ngành Y tế Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện Quyết định 27 của UBND tỉnh về thu hút nguồn nhân lực ngành Y chất lượng cao. Theo đó, đã có gần 50 bác sĩ chủ yếu là bác sĩ đa khoa, y học dự phòng, y học cổ truyền, răng hàm mặt được thu hút.
Hầu hết các bác sĩ đã ổn định tư tưởng, an tâm công tác. Với môi trường làm việc và chính sách đãi ngộ tốt, họ đã phát huy được kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp đóng góp vào sự phát triển chung của toàn ngành. Một trong số đó là nữ bác sĩ Nguyễn Thị An quê ở Thái Bình. Hiện bác sĩ An đang công tác tại khoa Y học cổ truyền- Bệnh viện Đa khoa Dung Quất.
Nhận công tác từ năm 2015, vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay, bác sĩ An là một trong những bác sĩ trẻ có vai trò khá lớn trong việc chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân của khoa. “Khoa Y học cổ truyền của Bệnh viện luôn có khoảng 40-50 bệnh nhân nội trú. Khối lượng công việc nhiều với áp lực lớn.
Nhưng vì được về nhận công tác đúng với những kiến thức đã học cùng với sự giúp đỡ các những người đi trước, em cảm thấy rất tự tin và gắng sức làm hết khả năng của mình để trị bệnh cứu người”- Nữ bác sĩ 26 tuổi bộc bạch.
Cơ sở để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Không chỉ quan tâm kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế, tăng cường thu hút, ngành Y tế còn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong năm 2016, ngành tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn sau đại học gồm 2 tiến sỹ, hàng chục bác sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sỹ y học, cử nhân y khoa...
Nguồn nhân lực được củng cố là cơ sở để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh từ tuyến xã đến tuyến tỉnh |
Có nguồn nhân lực, các Bệnh viện tuyến huyện đã tách và thành lập được các khoa, phòng chuyên môn để điều trị chuyên khoa sâu như : Răng hàm mặt, Khoa ngoại sản, Đông Y, Ngoại tiêu hóa...Từ đó, chất lượng điều trị tuyến cơ sở được củng cố, tạo niềm tin cho người bệnh và giảm tải cho tuyến trên.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi- tuyến điều trị cao nhất của tỉnh, hiện có 213 bác sỹ, tăng gấp đôi so với năm 2012. Từ nguồn nhân lực này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã mạnh dạn triển khai nhiều kỹ thuật mới trong điều trị, nhiều kỹ thuật đạt theo tiêu chuẩn của bệnh viện hạng 1.
Ông Phạm Ngọc Lân- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho hay: Bệnh viện cử bác sỹ đi học rất nhiều. Ví dụ, về tim mạch đã cho bác sỹ đi học điện tâm đồ gắn sức rồi siêu âm tim gắn sức và siêu âm mạch máu. Đặc biệt, vừa rồi Bệnh viện đã mua máy chụp mạch vành xóa nền và kịp thời cử 6 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đi học để về triển khai kỹ thuật này tại Bệnh viện.
Lần đầu tiên, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cũng đã được cử đi đào tạo chuyên sâu tại nước ngoài. Đến nay, 2 bác sĩ chuyên khoa sản và ngoại đã hoàn thành khóa đào tạo ngắn hạn tại Bệnh viện Chung Ang, Hàn Quốc. Bác sỹ Huỳnh Quốc Hiếu- Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho biết: Qua quá trình học tập, tôi đã học hỏi rất nhiều từ các giáo sư Hàn Quốc về tầm soát dị tật thai nhi. Hy vọng trong thời gian đến sẽ có kế hoạch triển khai tại Bệnh viện.
Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ ưu tiên đào tạo các chuyên khoa sâu với tổng kinh phí cho công tác đào tạo nhân lực là trên 1,2 tỷ đồng. Đây là đòn bẫy để ngành Y tế tỉnh nhà nhanh chóng hoàn thành mục tiêu đạt 7 bác sĩ/1 vạn dân vào năm 2020, góp phần giúp người dân trên địa bàn được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ ngày một tốt hơn.
Bài, ảnh: Thanh Phương