(Baoquangngai.vn)- Mưa lũ kéo dài đã khiến hơn 1.500 nhà dân cùng với nhiều giếng nước sinh hoạt bị ngập lụt, ô nhiễm. Sau khi nước lũ rút ở một số nơi, ngành y tế đã tích cực triển khai khử khuẩn giếng nước, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh trong và sau lũ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đảm bảo nguồn nước uống an toàn trong lũ
Nhiều ngày qua, ngôi nhà của bà Phan Thị Hiền ở thôn Phú Bình Đông, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) bị ngâm trong nước lũ. Sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn, nhưng điều bà Hiền lo lắng hơn cả vẫn là nguồn nước uống. Cả hai chiếc giếng khơi lẫn giếng đóng đều bị nước lũ tràn vào. Đến hiện tại, dù lũ đã rút, nhưng nước sinh hoạt của gia đình bà Hiền bị đục ngầu và có mùi tanh hôi.
“Mấy ngày qua, nhà tôi đã dùng hết lượng nước uống dự trữ trong thùng rồi. Đến sáng nay, tôi phải nhờ con lội nước đi ra đầu thôn để mua nước khoáng đóng chai uống vì sợ uống nước giếng vào thì sẽ bị đau bụng”- bà Hiền bộc bạch.
Ngành y tế tiến hành hướng dẫn người dân xử lý các giếng nước bị ngập lụt để đảm bảo nguồn nước uống |
Không riêng gia đình bà Hiền, nỗi lo về nguồn nước uống trong lũ là nỗi lo chung của hơn 30 hộ dân có giếng nước bị ngập ở thôn Phú Bình Đông. Nhiều gia đình phải đi lấy nhờ nước uống từ những hộ ở nơi cao ráo, không bị ngập nước vì nước lũ tràn vào giếng gây ô nhiễm nặng. Để hỗ trợ người dân về nguồn nước uống, ngay sau khi nước lũ rút, cán bộ y tế thôn, xã đã phối hợp lặn lội vào các nhà dân để hỗ trợ, hướng dẫn người dân xử lý nước uống sinh hoạt.
“Chúng tôi đã cấp phát thuốc aquatabs dạng viên cho các hộ bị ngập lụt. Đây là biện pháp tạm thời để khử khuẩn nước uống cấp tốc với công thức khử khuẩn cho 20 lít nước với 1 viên aquatab”- chị Lê Thị Thúy- cán bộ y tế thôn Phú Bình Đông cho biết.
Từ khi các khu dân cư vẫn còn bị nước lũ vây quanh, các cán bộ y tế đã tích cực lội nước, chèo ghe vào các hộ dân để giúp người dân xử lý, khử khuẩn nước uống trong thời gian khó khăn này. Toàn huyện Nghĩa Hành có hơn 300 giếng nước bị ngập nặng do lũ. Đến thời điểm hiện tại, ngành y tế đã xử lý hết để đảm bảo nguồn nước uống an toàn cho người dân vùng trũng.
Tập trung ngăn chặn dịch bệnh bùng phát sau lũ
Không riêng huyện Nghĩa Hành, các huyện bị ngập lụt trên diện rộng như Tư Nghĩa, Đức Phổ, Mộ Đức, Bình Sơn… đều đã tiến hành xử lý nước uống tạm thời cho người dân. Đồng thời, đối với những nơi nước đã rút, cán bộ y tế thôn, xã cũng đã đến từng hộ gia đình hướng dẫn khử khuẩn giếng nước và môi trường bằng cloramin B. Đến lúc này, ngành y tế đã tiến hành xử lý hơn 300 giếng nước và 336 hố xí, nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt không bị nhiễm khuẩn.
Hướng dẫn người dân chế biến, làm sạch thực phẩm bằng nước đã khử khuẩn |
Bênh cạnh việc hướng dẫn người dân khử khuẩn nước sinh hoạt, cán bộ y tế cũng tiến hành tuyên truyền cho người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm. Gia đình Trần Thanh Bình ở tổ dân phố Phú Bình Tây, thị trấn Chợ Chùa cũng được hướng dẫn tỉ mẩn việc rửa, xử lý thực phẩm để tránh những bệnh về đường tiêu hóa.
“Lũ về thì nguồn nước bị ô nhiễm nặng, kéo theo đó là bệnh tật nếu mình không biết xử lý nguồn nước và chế biến thực phẩm bằng nước bẩn. Qua hướng dẫn thì tôi biết cách dùng nước đã khử khuẩn bằng aquatab để rửa rau, thịt, cá nhiều lần trước khi nấu chín”- anh Bình chia sẻ.
Ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ y tế thôn, xã theo dõi bám sát các hộ dân ở vùng trũng để hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt. Trong thời gian tới khi nước lũ rút hết, hệ thống y tế dự phòng cũng sẽ phối hợp với các địa phương tiến hành phun thuốc xử lý, đảm bảo các dịch bệnh như đau mắt đỏ, bệnh về da, bệnh về tiêu hóa không tấn công người dân”.
Khi lũ đã rút, việc quan trọng cần làm là phải xử lý môi trường, phòng tránh những dịch bệnh có thể bùng phát sau lũ. Tính đến nay, để đối phó với dịch bệnh, ngành y tế đã cấp về các địa phương hơn 4 tấn hóa chất cloramin B và 50 nghìn viên aquatab. Đây là những hóa chất rất cần thiết giúp người dân khử khuẩn nguồn nước, hố xí và môi trường xung quanh trong và sau lũ.
Bài, ảnh: Thanh Phương