(Baoquanngai.vn)- Vì sự hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển của đất nước. Đó là mục tiêu của ngành dân số Quảng Ngãi đang hướng tới trong tiến trình nâng cao chất lượng dân số. Trong đó, mô hình không sinh con thứ 3 đã và đang được nỗ lực duy trì ở nhiều địa phương để góp phần giúp người dân nâng cao chất lượng đời sống.
Từ 20 năm nay, ở thôn 1, xã miền núi Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa không có cặp vợ chồng nào sinh con thứ 3. Dù gia đình có con 1 bề, đều là trai, hay cả 2 con cùng là gái thì các cặp vợ chồng đều bàn bạc, thống nhất không sinh thêm con.
“Chuyện sinh nhiều con đã là lùi xa cách đây lâu rồi. Thời của tôi còn có gia đình sinh 4-5 đứa. Chứ đến thời con tôi thì chúng nó chỉ sinh 2 đứa thôi, miễn sao cho con ăn học đầy đủ”- bà Phạm Thị Sen gần 60 tuổi ngụ ở thôn 1, xã Nghĩa Sơn tự hào chia sẻ.
|
Gia đình anh Phạm Văn Nghĩa và chị Phạm Thị Giang dừng lại ở 2 con. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của gia đình khá vững vàng. |
Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) là xã miền núi, 100% hộ dân là người đồng bào dân tộc H’rê nhưng tỷ lệ hộ nghèo của từng thôn trong xã chiếm rất ít. Toàn xã không có hộ gia đình trẻ là hộ nghèo mà trường hợp hộ nghèo chỉ có ở những gia đình có người già, neo đơn.
Phần lớn các gia đình trẻ đều có quan niệm, không sinh nhiều con để có thời gian đầu tư làm ăn. Như trường hợp Vợ chồng anh Phạm Văn Nghĩa và chị Phạm Thị Giang, ở thôn 1, xã Nghĩa Sơn. Sau ngày cưới, 2 vợ chồng chăm chỉ làm ăn, rồi sinh một con gái năm nay học lớp 5. Mới đây, khi kinh tế đã vững vàng, vợ chồng anh chị có thêm cháu trai 2 tuổi. Nhờ vậy, gia đình sung túc, hạnh phúc như nhiều gia đình đồng bào H're ở Nghĩa Sơn.
Anh Nghĩa bày tỏ: “Ở đây, ít gia đình sinh nhiều con lắm. Vì chúng tôi hiểu, sinh nhiều con mà không lo đầy đủ thì thiệt thòi cho con lẫn cho mình. Nên chỉ sinh hai con thì mới có điều kiện chăm lo đầy đủ cho con và góp phần vào sự phát triển chung của thôn, xã”.
|
Hiện toàn tỉnh Quảng Ngãi có gần 20 câu lạc bộ không sinh con thứ 3 với trên 111 thôn, tổ không sinh con thứ 3 từ 4-20 năm. |
Ngoài xã Nghĩa Sơn, Quảng Ngãi hiện có đến gần 20 mô hình câu lạc bộ không sinh con thứ 3 tại khắp các huyện, thành phố trong tỉnh. Trong đó, có 111 thôn, tổ không sinh con thứ 3 liên tục từ 4-20 năm, góp phần rất lớn giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của toàn tỉnh. Tại những nơi này, cán bộ chuyên trách dân số đã và đang nỗ lực hết sức để tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến từng người dân.
Chị Phạm Thị Liên, cán bộ chuyên trách dân số huyện Tư Nghĩa cho biết: Tại cuộc họp thôn, xóm, họp thôn, họp khu dân cư thì mình kết hợp tuyên truyền cho người dân về công tác dân số, KHHGĐ. Chúng tôi tận dụng cả thời gian buổi tối tới tận nhà dân để mà tuyên truyền cho dân hiểu và biết tầm quan trọng của công tác dân số và KHHGĐ.
Sự nỗ lực của các địa phương, nhất là các vùng miền núi, ven biển đã góp phần ổn định quy mô dân số trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ mức giảm sinh của Quảng Ngãi năm 2016 duy trì ở mức ổn định 0,2‰. Trung bình, mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiện đang có 2,09 con. Điều này cũng có nghĩa đa số các gia đình đang thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình có từ 1 đến 2 con.
|
Ngành dân số Quảng Ngãi đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ dân để từng bước nâng cao chất lượng dân số |
Ông Đặng Văn Ngữ- Phó chi Cục trưởng Chi Cục dân số- KHHGĐ Quảng Ngãi nhận định: Thời gian qua, Quảng Ngãi đã đạt được những thành quả nhất định trong lĩnh vực dân số- KHHGĐ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên chất lượng dân số chưa bền vững. Hiện nay Đảng, Nhà nước đang đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng dân số.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành dân số tỉnh vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Hiện tại, mức sinh còn biến động khó lường, thiếu ổn định. Mặt khác, việc mất cân bằng giới tính khi sinh cũng đang ở mức cao, tỷ số giới tính khi sinh chưa có chiều hướng giảm; tỷ lệ già hoá dân số đang tăng.
Cùng với cả nước, ngành dân số Quảng Ngãi đang từng bước chuyển từ kiểm soát dân số sang tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng dân số. Từ đó, đảm bảo cơ cấu dân số, mức sinh hợp lý và nhất là kiểm soát tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh.
Bài, ảnh: Thanh Phương