Nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS 1.12:
Tăng cường ngăn chặn HIV/AIDS tại các huyện miền núi

08:11, 30/11/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Những năm gần đây, mặc dù công tác tuyên truyền phòng, chống đại dịch HIV/AIDS luôn được quan tâm triển khai tích cực, nhưng tỷ lệ người nhiễm mới vẫn tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, ngày càng có nhiều người nhiễm mới HIV/AIDS là đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi Quảng Ngãi.
Chị Phạm Thị T. ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ dù tuổi đời mới chỉ 23 tuổi nhưng đã phải mệt mỏi chống chọi với căn bệnh thế kỷ suốt 4 năm nay. Bất hạnh lớn nhất của chị T. không chỉ dừng lại ở đó, mà đứa con gái bé bỏng của chị cũng nhiễm vi rút HIV từ khi còn trong bụng mẹ.
 
“Năm 2012, mình sinh khó phải chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi mổ. Lúc vừa mở mắt tỉnh dậy để nhìn con thì bác sĩ thông báo mình nhiễm HIV. Lúc đó, mình nghĩ chẳng còn gì nữa, buồn và không muốn sống. Rồi đứa con của mình nữa, nó chẳng có tội tình gì…”- Sau câu nói là tiếng nấc nghẹn ngào của người mẹ trẻ.

 

Bị lây HIV từ chồng, chị T. cùng con đang sống những ngày vô cùng vất vả
Bị lây HIV từ chồng, chị T. cùng con đang sống những ngày vô cùng vất vả.
 
Trước khi sinh con vài tháng, chồng chị là anh Phạm Văn X. đã bỏ mẹ con chị đi với người phụ nữ khác. Anh X. bị nhiễm HIV từ lâu mà không hề hay biết. Từ ngày biết mình có bệnh, cuộc sống của hai mẹ con chị T. rơi vào bế tắc. “Về nhà thì lâu dần hàng xóm, người trong thôn đều biết mình nhiễm HIV nên ai cũng rì rầm nói ra nói vào, xa lánh. Đã bệnh lại không ai dám thuê mình làm mướn, nên chẳng có tiền nuôi con”- chị T. kể.
 
Cuộc sống vất vả, hai mẹ con chị T. chỉ biết nương tựa vào nhau. Lâu dần, mọi người xung quanh cũng hiểu là HIV không lây truyền qua đường hô hấp nên đã chịu tiếp xúc với chị. Hiện chị T. mỗi ngày đi làm thuê và tăng gia nuôi gà, heo để kiếm tiền nuôi con. Cứ hai tháng một lần, mẹ con chị lại khăn gói đi bộ 2 tiếng đồng hồ để bắt được xe buýt về xuôi, lấy thuốc điều trị ở Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh.
 
Cũng bị nhiễm căn bệnh thế kỷ từ người chồng, chị Phạm Thị B. ở xã Ba Tô cùng đứa con trai nhỏ đang khổ sở sống qua ngày. “Mình có biết hút chích hay ăn chơi gì đâu, nhưng bệnh vẫn vào người. Chồng mình đi làm ăn xa rồi mang virút về lây. Con trai mình cũng bị từ khi mình mang thai nó”- chị B. kể về cuộc đời bất hạnh của mình.
 
Ở huyện miền núi Ba Tơ, không khó để chúng tôi bắt gặp những hoàn cảnh éo le như vậy. Dù ở nơi rẻo cao yên bình, đại dịch HIV/AIDS vẫn len lỏi đến từng thôn, làng cướp đi cuộc sống hạnh phúc của rất nhiều gia đình đồng bào Hrê. Thống kê ở huyện Ba Tơ hiện có 35 trường hợp nhiễm HIV/AIDS. Chỉ trong 2 năm gần đây, số ca nhiễm mới phát hiện là 14 ca.

 

Tích cực tuyên truyền, vận động những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao hiểu biết là cách tốt nhất để phòng chống HIV/AIDS
Tích cực tuyên truyền, vận động những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao hiểu biết là cách tốt nhất để phòng chống HIV/AIDS
 
Ông Võ Duy Sinh- cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS huyện Ba Tơ cho biết: Chúng tôi luôn tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức định kỳ hằng tháng về kiến thức HIV/AIDS cho người dân. Nhưng sự hiểu biết, am hiểu của đồng bào miền núi về cách phòng chống căn bệnh này còn hạn chế nên bệnh có cơ hội gia tăng. Từ năm 2006, Ba Tơ ghi nhận ca nhiễm HIV đầu tiên. Chỉ qua 10 năm, con số này đã tăng lên 35.
 
Điều kiện kinh tế của các hộ gia đình ở vùng cao còn khó khăn, người chồng- trụ cột của gia đình phải đi làm ăn xa và bị cám dỗ. Từ đây, họ mang virut HIV về lây cho vợ, con. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến virut HIV/AIDS tấn công mạnh lên các huyện miền núi trong những năm gần đây. Hiện toàn tỉnh Quảng Ngãi có 215 người nhiễm HIV/AIDS đang được quản lý và điều trị. Trong đó, tỷ lệ người nhiễm là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%.
 
Hiện ngành y tế đang tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tránh xa ma túy, mại dâm, không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bị nhiễm HIV; làm tốt công tác chăm sóc và hỗ trợ điều trị bệnh nhân AIDS được tổ chức ngay tại địa phương. Những buổi tuyên truyền tại khu dân cư là cơ hội tốt để mọi người cùng nhận thức và hiểu biết rõ căn bệnh thế kỷ.
 
Bác sĩ Võ Mẫn – Phó Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Đối với các huyện miền núi thì chúng tôi xác định công tác truyền thông trực tiếp luôn có vai trò chủ chốt. Những buổi trò chuyện giữa cán bộ và đồng bào với sự trợ giúp của các tờ rơi giúp người dân tiếp thu và hiểu biết hơn về cách phòng chống bệnh.
 
Câu chuyện ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS ở các huyện miền núi vẫn còn nằm trong vòng luẩn quẩn. Bởi một khi nhận thức của người dân địa phương chưa được nâng cao, thì họ vẫn chưa có cách đề phòng virut HIV đe dọa đến cuộc sống.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.