Nhân Ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10.10:
Đừng bỏ rơi người bệnh tâm thần

08:10, 10/10/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Bệnh nhân tâm thần bên cạnh sự điều trị của đội ngũ y, bác sĩ thì rất cần sự quan tâm, chăm sóc tận tình của người nhà. Đây là biện pháp hữu hiệu để giúp người bệnh mau chóng bớt bệnh. Nhưng có một thực tế đáng buồn rằng, hầu hết bệnh nhân tâm thần đang bị chính người thân của họ bỏ rơi, không quan tâm.
Chúng tôi đến khu điều trị nội trú của Khoa Tâm thần nam, Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi vào đúng giờ ăn trưa. Vài người đã lục tục rủ nhau đi mua cơm về cho con, cháu đang được nằm điều trị tại đây, nhưng đó chỉ là số ít.
 
Phần lớn bệnh nhân còn lại phải nhờ đến sự trợ giúp của các điều dưỡng, y bác sĩ đem cơm đến phòng bệnh. Người nhà của họ đã lâu lắm chẳng ghé vào thăm nom. Ở đây, mỗi bệnh nhân mang theo một câu chuyện buồn, phảng phất nỗi niềm cô đơn.
 
Bệnh nhân C quê ở xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành chẳng có người thân nào đến thăm kể từ 3 tháng nay. Cách đây vài năm, C bị tâm thần phân liệt. Trong lúc đầu óc hỗn loạn, C đã đánh chết người mẹ ruột của mình và được đưa vào điều trị lâu dài tại bệnh viện. Bố của bệnh nhân dù bị lao phổi nặng những vẫn thường xuyên đến chăm sóc con. Nhưng cách đây 3 tháng, kể từ khi bố C qua đời, thì chẳng còn ai vào chăm sóc nữa.

 

Trong số 56 bệnh nhân được điều trị nội trú tại Khoa Tâm thần nam, có đến 70% bệnh nhân không được người nhà đến chăm sóc thường xuyên
Trong số 56 bệnh nhân được điều trị nội trú tại Khoa Tâm thần nam, có đến 70% bệnh nhân không được người nhà đến chăm sóc thường xuyên.
 
“Chúng tôi gửi công văn về xã để yêu cầu chính quyền xác nhận gửi bệnh nhân này về nơi cư trú hoặc gửi lên Trung tâm giáo dục lao động xã hội tỉnh. Nhưng gửi đến lần thứ 4 rồi vẫn chưa nhận được hồi âm. Bệnh viện đành phải tạm giữ bệnh nhân lại để chăm sóc cho đến khi người thân của bệnh nhân đến đưa về”- Bác sĩ Võ Đình Kỳ- Trưởng khoa Tâm thần nam, Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi chia sẻ.
 
Trường hợp của bệnh nhân H cũng chẳng may mắn hơn. Đã hơn 4 năm nay, bệnh nhân H đều ở khu nội trú của Khoa Tâm thần nam. Chẳng ai biết người nhà của bệnh nhân đang ở đâu. Lúc tỉnh, lúc mê nên khâu vệ sinh cá nhân của bệnh nhân H cũng đều phụ thuộc vào sự chăm sóc của đội ngũ điều dưỡng tại bệnh viện.
 
“Trong số 56 bệnh nhân nam điều trị ở khoa này thì chỉ có 30% có người nhà thường xuyên lui tới chăm sóc, lo cơm nước và vệ sinh cá nhân. Còn lại thì anh em điều dưỡng và y, bác sĩ phải hỗ trợ”- điều dưỡng Nguyễn Văn Trường vừa mang cơm đến cho bệnh nhân cho biết.
 
Không chỉ mang cơm đến cho từng bệnh nhân, họ còn phải lo chuyện vệ sinh cá nhân, cạo râu, chải tóc, cắt móng tay, móng chân… “Có tình huống mình đang gội đầu cho bệnh nhân thì bệnh nhân lên cơn, có hành vi tấn công mình. Nhưng với bệnh nhân tâm thần thì sự gần gũi, thái độ quan tâm rất có ý nghĩa với họ nên mình vẫn phải kiên nhẫn”- điều dưỡng Trường kể về chuyện chăm sóc hằng ngày cho bệnh nhân tâm thần.

 

Để điều trị bệnh tâm thần hiệu quả, người nhà bệnh nhân cần thường xuyên quan tâm, chăm sóc
Để điều trị bệnh tâm thần hiệu quả, người nhà bệnh nhân cần thường xuyên quan tâm, chăm sóc
 
Ở những bệnh viện khác, bệnh nhân đến nằm điều trị nội trú đều có người nhà đến chăm sóc. Còn ở Bệnh viện tâm thần Quảng Ngãi, hình ảnh ấy lại rất hiếm gặp. Những năm gần đây, người tâm thần đã nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà nước cũng như các cơ quan, ban ngành. Nhưng có một sự thật đau lòng rằng, họ lại bị chính những người thân của mình rũ bỏ.
 
Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 6.000 trường hợp ghi nhận mắc bệnh tâm thần, trong đó bệnh viện quản lý gần 1.000 bệnh nhân và hơn 5.000 bệnh nhân được quản lý tại cộng đồng. Trên thực tế, có những bệnh nhân tâm thần mắc bệnh đến 20 năm nhưng họ vẫn có thể lao động, làm việc, lập gia đình và sinh con đẻ cái bình thường nếu như được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, được uống thuốc điều trị thường xuyên cũng như nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ chính những người xung quanh mình.
 
Theo bác sĩ Đặng Trong- Phó Giám đốc Bệnh viện tâm thần Quảng Ngãi, nếu người bệnh tâm thần không được quan tâm, chăm sóc và quản lý tốt thì khả năng cao sẽ phát bệnh mà có những hành vi không tự chủ được làm tổn hại đến bản thân và người khác, thậm chí là giết người. Ngày càng có nhiều trường hợp người tâm thần có hành vi ảnh hưởng đến an ninh trật tự, một phần nguyên nhân cũng vì sự bỏ rơi từ chính gia đình họ.
 
“Hiện Quảng Ngãi chưa có Trung tâm nuôi dưỡng người bệnh tâm thần không nơi nương tựa. Đây thực sự là một khó khăn lớn cho đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng tại bệnh viện. Vì bệnh tâm thần là bệnh dạng mãn tính, cần có sự điều trị lâu dài. Khi hết đợt điều trị ở bệnh viện thì bệnh nhân vẫn cần sự chăm sóc, quản lý của người nhà ở cộng đồng. Bệnh viện không thể giữ lại và chăm sóc cho bệnh nhân thay người nhà trong suốt một thời gian dài”- Bác sĩ Đặng Trong bày tỏ.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

.