"Người bạn" của bệnh nhân tâm thần

02:06, 02/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lời căn dặn của Bác Hồ: “Lương y phải như từ mẫu” luôn là kim chỉ nam hành động của bác sĩ Võ Đình Kỳ- Trưởng Khoa tâm thần nam- Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Ông luôn nỗ lực trau dồi chuyên môn, hết lòng phục vụ người bệnh.

TIN LIÊN QUAN

Bước vào khuôn viên Khoa Tâm thần nam, chưa kịp chào hỏi, bệnh nhân ở đây liền ùa tới vây lấy bác sĩ Kỳ như những người thân thương lâu ngày mới gặp mặt. Mỗi người bệnh nơi đây, có mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng đa số là xuất thân nghèo khó, nhiều người không còn người thân.

Với họ, bệnh viện giờ đây là nhà, thầy thuốc là người thân để trút bầu tâm sự. Chính vì vậy, mỗi lúc hỗ trợ tâm lý cho người bệnh, bác sĩ Kỳ thường xuyên trò chuyện, để bệnh nhân được bộc bạch nỗi lòng, vơi bớt tâm trạng cô đơn, buồn tủi, để vững tâm điều trị bệnh.

Nói về cơ duyên đến với nghề, bác sĩ Kỳ chia sẻ: Làm việc ở môi trường này, dù đối diện với nhiều thử thách, vất vả, nhưng hơn 10 năm gắn bó với người bệnh, đón nhận những tình cảm quý mến của họ dành cho mình, giúp tôi an tâm cống hiến nhiều hơn.

 

 Bác sĩ Võ Đình Kỳ khám bệnh cho bệnh nhân tâm thần.
Bác sĩ Võ Đình Kỳ khám bệnh cho bệnh nhân tâm thần.


Năm 2001, sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y dược Huế, bác sĩ Võ Đình Kỳ, quê ở tỉnh Bình Định chọn Quảng Ngãi là quê hương thứ hai để lập nghiệp. Anh xung phong lên công tác tại huyện vùng cao Sơn Tây.

Sau hai năm công tác, anh thường xuyên “nằm vùng”  tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, trực tiếp khám, chữa bệnh, phát động các chương trình vệ sinh phòng dịch tại các khu dân cư. Sau 2 năm công tác miền núi, anh được Sở Y tế điều về công tác tại Trung tâm Sức khỏe Tâm thần tỉnh (nay là Bệnh viện Tâm thần tỉnh).

Ban đầu về đây công tác, anh cũng có chút phân vân vì thường xuyên phải tiếp xúc với người bệnh “đặc biệt”, nhưng rồi thời gian gắn bó với công việc, giúp anh trải nghiệm và gắn bó hơn với người bệnh. Anh đã nỗ lực học chuyên khoa I để nâng cao năng lực chuyên môn.

Hiện nay, với trọng trách là Trưởng Khoa Tâm thần nam, bác sĩ Kỳ không những quản lý, chăm sóc tốt bệnh nhân, mà anh luôn luôn gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ người bệnh. Anh đề ra nhiều hoạt động hỗ trợ tâm lý, giúp người bệnh có điều kiện sớm hồi phục.

Hầu hết bệnh nhân ở đây đều ở dạng mãn tính, dễ xúc động nên chỉ cần một cơn xung chấn nhẹ sẽ khiến người bệnh bộc phát, bệnh nhân trở nên cực kỳ manh động. Bởi thế, chuyện bác sĩ Kỳ cũng như cán bộ y tế khác bị đánh, điều dưỡng đang đút cơm bị người bệnh phun cơm, thức ăn là chuyện bình thường ở môi trường đặc biệt này.

Đã trải qua không ít buồn- vui cùng với người bệnh, bác sĩ Kỳ bộc bạch: “Bác sĩ tâm thần là một nghề cực kỳ vất vả, đầy gian truân. Nếu như các loại bệnh khác có thể thấy được qua khám, xét nghiệm, thì bệnh tâm thần lại không có phác đồ điều trị cụ thể cho từng mức độ bệnh. Việc chẩn đoán bệnh phải kết hợp cả kỹ năng được học và kinh nghiệm bản thân thì khi điều trị mới có hiệu quả”.

Cuộc sống hiện đại với những guồng quay vội vã khiến số lượng bệnh nhân trầm cảm có xu hướng gia tăng. Hiểu và đồng cảm cho những bệnh nhân để giúp họ vượt qua bệnh tật phải là những người thầy thuốc thực sự có “tâm”.

Những “từ mẫu” như bác sĩ Kỳ là động lực giúp bệnh nhân tâm thần và gia đình có thêm niềm tin chiến thắng bệnh tật hòa nhập với cộng đồng.


 Bài, ảnh: KN

 


.