Thành phố Quảng Ngãi: Nỗ lực giảm sinh con thứ 3

04:09, 20/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở TP.Quảng Ngãi giữ mức ổn định dưới 6%/năm. Tuy nhiên, sau khi mở rộng địa giới hành chính, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở thành phố tăng gấp đôi. Đây là thách thức đối với việc nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

TIN LIÊN QUAN

Trong 6 tháng đầu năm 2016, TP.Quảng Ngãi có 513 trẻ được sinh, trong đó có 55 trẻ là con thứ 3 trở lên, chiếm 10,7%. Đặc biệt, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có sự chênh lệch khá lớn ở các địa phương, như: Nghĩa Phú (35%), Nghĩa An (23%), Tịnh Châu (20%), phường Trần Hưng Đạo (30%)...

Cán bộ dân  số xã Nghĩa Phú tới từng nhà, để vận động chị em giảm sinh con thứ 3 trở lên.
Cán bộ dân số xã Nghĩa Phú tới từng nhà, để vận động chị em giảm sinh con thứ 3 trở lên.


Bà Lê Thị Ánh Sương- Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố cho biết: Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì thế, hằng năm trung tâm đều giao chỉ tiêu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 cho các xã, phường; tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động, tư vấn kết hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Tập trung ở các xã vùng biển, vùng có mức sinh cao nhằm vận động các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Cử cán bộ, cộng tác viên xuống từng hộ gia đình tuyên truyền, kết hợp sử dụng tờ rơi... nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Trung tâm duy trì tốt hoạt động các CLB tiền hôn nhân tại các địa phương. Tổ chức truyền thông cho học sinh về SKSS vị thành niên, thanh niên tại các trường THCS, THPT trên địa bàn, giúp các em nhìn nhận đúng đắn về tình yêu, hôn nhân, gia đình và chăm sóc tốt SKSS, hạn chế việc phải làm bố, làm mẹ ở độ tuổi vị thành niên... Đẩy mạnh thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Duy trì sinh hoạt các CLB “Phụ nữ không có người sinh con thứ 3” trở lên, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.

Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều xã biển vẫn còn nặng tư tưởng sinh con trai, nên tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao, làm ảnh hưởng nhiều đến việc giảm sinh trên địa bàn. Mặt khác, việc cán bộ dân số cấp xã, phường chưa được tuyển dụng vào viên chức, cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Đội ngũ này cũng thường xuyên thay đổi, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế, nên việc triển khai, tổ chức thực hiện chương trình DS-KHHGĐ ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về dân số bị cắt giảm cũng ảnh hưởng đến việc triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, mô hình, công tác truyền thông tại cơ sở. Mức sinh trên địa bàn thiếu bền vững do cơ cấu dân số trẻ. Để ổn định mức sinh trên địa bàn, ngoài huy động hệ thống chính trị cơ sở tập trung nâng cao các biện pháp tuyên truyền, vận động thì việc tổ chức tốt các chiến dịch chăm sóc SKSS là hết sức cần thiết.

Thành phố đã chủ động tổ chức kịp thời chiến dịch chăm sóc SKSS tại 21/23 xã, phường. Gần 2.000 chị em phụ nữ được khám, điều trị, chăm sóc SKSS. Tổng các biện pháp tránh thai hiện đại được thực hiện trên địa bàn đạt gần 70%. Cùng với đó là duy trì, triển khai các mô hình, đề án nhằm nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt là Đề án “Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển”. Phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 ở mức 10%; giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức dưới 9‰; giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh ở mức 110 nam/100 nữ...
 

Bài, ảnh: Trí Phong


 


.