Nhiều biến chứng nguy hiểm ở trẻ mắc tay chân miệng do phụ huynh chủ quan

09:09, 20/09/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Từ đầu năm học mới đến nay, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng mạnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi với 10-15 ca nhập viện mỗi ngày. Đây là bệnh phổ biến, thường xảy ra biến chứng khó lường ở trẻ dưới 3 tuổi do sự chủ quan của các bậc phụ huynh.
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, khu cách ly dành cho bệnh tay chân miệng những ngày này khá đông bệnh nhi. Do không đủ không gian, bệnh viện phải bố trí một số giường bệnh ở hành lang. “Thời gian từ tháng 9-12 là vào mùa dịch bệnh tay chân miệng. Những ngày qua khoa đều tiếp nhận điều trị cho 10-15 ca mỗi ngày”- bác sĩ Trương Thị Thanh- Phó Khoa Nhi cho hay. Đó là chưa kể đến hàng chục trẻ mắc tay chân miệng ở thể nhẹ đang được điều trị ngay tại gia đình vào thời điểm này.
 
Bệnh tay chân miệng là bệnh lành tính, nhưng nếu không được theo dõi sát, trẻ rất dễ có những triệu chứng nặng dẫn đến viêm não, viêm phổi và một số bệnh nguy hiểm khác. Những bệnh nhi nằm điều trị nội trú tại Khoa Nhi đều có những triệu chứng nặng, ít nhiều do sự chủ quan của phụ huynh.

 

Khoa Nhi tận dụng hành lang để kê giường bệnh cho bệnh nhi mắc tay chân miệng
Khoa Nhi tận dụng hành lang để kê giường bệnh cho bệnh nhi mắc tay chân miệng.
 
Bé Nguyễn Bảo Lâm- con của chị Nguyễn Thị Phương Thảo (ngụ ở thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành) là một trong những trường hợp mắc biến chứng như vậy. “Cách đây 5 ngày, con tự nhiên ho, sổ mũi kèm đi ngoài. Gia đình cứ nghĩ cháu bị cảm cúm thông thường nên cũng mua thuốc về uống. Tự nhiên đến tối, cháu sốt cao liên tục, quấy khóc không chịu chơi. Gia đình đưa cháu nhập viện thì bác sĩ bảo cháu bị tay chân miệng độ 2A, nay đã chuyển biến nặng sang độ 3 vì huyết áp tăng, nhịp thở nhanh...”- chị Thảo bộc bạch.
 
Chị Nguyễn Thùy Trang cũng đang chăm con hơn 15 tháng đang nằm ở khu cách ly của Khoa Nhi. Theo chị Trang, con trai chị bị nổi ban đỏ ở tay, chân, miệng từ nhiều ngày trước, nhưng gia đình không hề nghĩ cháu bị tay chân miệng. “Tôi cứ nghĩ cháu bị ghẻ phỏng, hay bị nổi sởi thôi vì cơ địa cháu cũng hay xuất hiện sởi nên tôi cứ để cháu ở nhà mà không dẫn đi bác sĩ. Đến khi cháu sốt cao quá, cho uống thuốc cũng không hạ thì cả nhà mới tá hỏa cho nhập viện”- chị Trang chia sẻ.
 
Đây cũng là một trong những quan niệm sai lầm về bệnh tay chân miệng của rất nhiều phụ huynh khiến bệnh trở nặng. Theo khuyến cáo của bác sĩ, bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, khi trẻ có những biểu hiện như sốt, nổi ban, bóng nước ở tay, chân, gối, mông hay lở miệng… phụ huynh phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để chẩn đoán bệnh.

 

Khi phát hiện trẻ sốt, nổi bóng nước ở tay, chân, miệng, gối... phụ huynh phải đưa con đến ngay cơ sở y tế để khám
Khi phát hiện trẻ sốt, nổi bóng nước ở tay, chân, miệng, gối... phụ huynh phải đưa con đến ngay cơ sở y tế để khám.
 
Trong trường hợp trẻ bị bệnh độ I (độ nhẹ) như: Lở miệng, sốt nhẹ… thì có thể khám, nhận thuốc uống và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, người nhà cần theo dõi sát tình trạng bệnh của trẻ, giữ gìn vệ sinh, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Nếu thực hiện vệ sinh tốt, khi bóng nước khô, bong ra, không để lại sẹo.
 
Nhưng khi trẻ có các biểu hiện: Sốt cao liên tục, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt, bứt rứt, ói nhiều, run tay, chân, vã mồ hôi, giật mình, đi loạng choạng… có thể trẻ bị nặng, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để bác sĩ theo dõi, điều trị kịp thời.
 
Trẻ đã bị tay chân miệng vẫn có thể bị lại. Do đó, để tránh mắc trở lại và lây lan bệnh, phụ huynh cần cho bé nghỉ học ít nhất 7 ngày. Thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Gia đình tránh cho trẻ đến nơi tập trung đông trẻ, điều kiện vệ sinh không tốt để chơi vì rất dễ lây bệnh.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

.