(Báo Quảng Ngãi)- Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính lây truyền HIV/AIDS, với nguy cơ lây truyền từ 25 - 40%. Nhưng nếu được chẩn đoán, điều trị sớm thì tỉ lệ lây truyền giảm còn dưới 5%, thậm chí 0%. Người mẹ có HIV vẫn có cơ hội sinh ra những đứa con khỏe mạnh, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chúng tôi đến nhà em N. trong một chiều hè cuối tháng 6. Ngôi nhà em nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa). Ôm đứa cháu bất hạnh vào lòng, bà nội của N. dường như không còn nước mắt để khóc vì thương cháu bất hạnh. Mới chào đời, N. đã mang phải căn bệnh thế kỷ, do bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Đến nay, bố mẹ em đã ra đi vì AIDS. Mọi gánh nặng chăm lo cho N. đều dồn lên vai người bà đã già yếu (84 tuổi).
Bác sĩ Võ Mẫn- Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thăm trẻ bị nhiễm HIV nhân ngày 1.6 . |
Cuộc sống của N. hiện tại rất khó khăn, khi nguồn nương tựa của bé như ngọn đèn heo hắt trước gió. Bà nội N. nghẹn ngào, nói: “Trước đây, cháu nó đi học, nhiều phụ huynh phản đối, kì thị, may nhờ chính quyền địa phương can thiệp, giải thích, cháu có điều kiện học hành như bao đứa trẻ khác. Năm nào cháu cũng đạt học sinh giỏi”.
Còn trường hợp của em T. ở xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) cũng đau lòng không kém. Hai anh em của T. đều bị nhiễm HIV từ mẹ khi vừa sinh ra. Mẹ và em của T. vừa qua đời cách đây không lâu. Bản thân T. cũng đã nghỉ học, vì không chịu nổi sự kì thị của bạn bè.
6 tháng đầu năm, ngành y tế triển khai tư vấn, xét nghiệm cho khoảng 7.000 phụ nữ mang thai, đã phát hiện 1 phụ nữ mang thai nhiễm HIV ở huyện Sơn Tây. Trường hợp này đã được cung cấp gói dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện. Tính đến nay, toàn tỉnh có tổng cộng 27 trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ. Hiện có 10 trường hợp đang sinh sống tại địa phương, một số đã mất và chuyển đi nơi khác. |
Đây là số ít những trường hợp mà chúng tôi có dịp gặp gỡ. Những bậc làm cha, làm mẹ không may mắc phải căn bệnh này, nhưng chỉ vì thiếu hiểu biết về kiến thức phòng tránh, dự phòng mà người mẹ có HIV đã vô tình lây nhiễm, để lại bất hạnh cho những đứa con thơ.
Bác sĩ Võ Mẫn - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho rằng: Việc lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể diễn ra trong thời kỳ mang thai, trong khi sinh hay quá trình cho con bú. Để phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, tất cả phụ nữ mang thai cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và tiến hành xét nghiệm sớm HIV.
Nếu phát hiện nhiễm HIV, họ sẽ được điều trị dự phòng từ khi mang thai, được tư vấn chăm sóc thai nghén, dinh dưỡng và chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc sinh đẻ ở những cơ sở y tế có dịch vụ dự phòng bằng thuốc ARV cho con.
Từ năm 2009 đến nay, Ủy ban Quốc gia Phòng - chống AIDS và Phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chọn tháng 6 hằng năm là Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đây là một hoạt động mang tính thiết thực và nhân đạo.
Ở tỉnh ta, theo thống kê, đến nay đã phát hiện tổng cộng 666 người nhiễm HIV, trong đó có 443 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh đều phát hiện có người nhiễm HIV. Đáng báo động là số người nhiễm HIV được phát hiện trên địa bàn tỉnh có tuổi đời ngày càng trẻ.
Hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2016, diễn ra từ ngày 1 đến 30.6, với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con” ngành y tế đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; chỉ đạo các cơ sở dịch vụ y tế liên quan chuẩn bị và tăng cường cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; giám sát triển khai các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhằm tiến tới mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con và kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Bài, ảnh: KIM NGÂN