(Baoquangngai.vn)- Người hút thuốc chủ động không chỉ gây bệnh cho chính mình và người thân, mà còn làm ảnh hưởng đến nhiều người trong cộng đồng. Để hạn chế tác hại của khói thuốc thụ động với hàng nghìn các hóa chất độc hại ở nơi công cộng, các đơn vị y tế tại Quảng Ngãi đã thực hiện phương châm “bệnh viện không thuốc lá”.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tác hại khôn lường từ khói thuốc
Ông Nguyễn Văn Cảnh ngụ ở xã Hành Phước, Nghĩa Hành đang nằm điều trị tại Khoa Nội tổng hợp, bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Khói thuốc chính là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này. Ông Cảnh đã có hơn 20 năm gắn liền với thuốc lá. Có ngày ông hút hết 20-40 điếu.
“Từ ngày bệnh đến giờ tôi bỏ thuốc lá, cũng được 3-4 năm rồi. Nhưng hối hận vẫn không kịp, lâu lâu tôi lại bị khó thở, tưởng như chết tới nơi luôn, rồi phải vào viện nhờ đến bác sĩ”- ông Cảnh mệt nhọc than thở.
Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi luôn có 30-40 ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính |
Tại Khoa Nội tổng hợp, luôn có khoảng 30-40 trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nằm điều trị. Bác sĩ Trương Thị Như Hiền cho biết: “Khói thuốc gây ra rất nhiều tác hại đến tất cả các bộ phận trong cơ thể nếu bệnh nhân tiếp xúc với khói thuốc lâu và nhiều. Nhưng bộ phận ảnh hưởng nhất vẫn là phổi với các bệnh viêm phổi, ung thư phổi… và phổ biến nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Hiện y học vẫn không thể nào chữa hết hoàn toàn bệnh này, mà chỉ hạn chế một phần nào bệnh trạng”.
Đó là hậu quả của việc hút thuốc lá chủ động. Và nguy cơ bị bệnh do thuốc lá gây ra đối với người hút thuốc lá thụ động không thua kém gì so với người hút chủ động. Theo kết quả nghiên cứu của các tổ chức y tế thì thuốc là chứa khoảng 7.000 hóa chất, trong đó có hàng trăm chất độc, chất gây ung thư.
Đối với trẻ em - đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc lá. Hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ- Trưởng Khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho biết: Theo các chuyên gia ước tính mỗi năm có khoảng 150.000 - 300.000 trẻ em bị viêm phổi và viêm phế quản có nguyên nhân do ảnh hưởng của khói thuốc lá ở trong môi trường. Còn đối với những trẻ dưới 1 tuổi có bố mẹ hút thuốc thì có tỷ lệ bị viêm phổi và phế quản tăng gấp đôi so với những đứa trẻ khác.
Quyết tâm với bệnh viện không thuốc lá
Tác hại của khói thuốc ở trẻ em là vậy. Còn đối với người lớn, hàng loạt các bệnh nan y như: Ung thư phổi, tim mạch, ung thư vú, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp, với phụ nữ mang thai thì tăng nguy cơ đẻ non và sinh trẻ nhẹ cân… đều liên quan đến khói thuốc.
Bác sĩ Nguyễn Bé- Giám đốc bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: Nhiều nghiên cứu cho thấy, dù sau 2-3 giờ thì không thấy khói thuốc nữa những lượng khói thuốc lá vẫn tồn tại trong môi trường không khí xung quanh. Những người sống xung quanh những người có thói quen hút thuốc, nhất là ở trong phòng kín thì bị tác hại không khác gì những người chủ động hút thuốc.
Ở các nơi công cộng như: Bến xe, nhà ga, bệnh viện, trường học... là những khu vực bị cấm hút thuốc lá. Thế nhưng, tình trạng hút thuốc lá vẫn còn diễn ra thường xuyên. Để hạn chế tình trạng trên, các đơn vị y tế đã được quán triệt thực hiện “nói không với thuốc lá”.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, cán bộ, nhân viên y tế đã tích cực thực hiện tinh thần “bệnh viện không thuốc lá” trong 3 năm trở lại đây. Ngay từ cổng bệnh viện, người dân đã thấy bảng hiệu to, ấn tượng với dòng chữ “bệnh viện không khói thuốc vì sức khỏe của nhân dân”.
Ở tất cả các khoa, phòng của bệnh viện đều có biển cấm hút thuốc để nhắc nhở ý thức của người nhà bệnh nhân. |
Không chỉ vậy, ở tất cả các khoa phòng, khuôn viên bệnh viện đều treo biển “cấm hút thuốc”. Ngay cả căng tin cũng không được phép bán các sản phẩm thuốc lá.
Cùng với sự nhắc nhở tích cực của cán bộ, y tế tại bệnh viện, người dân đã dần có ý thức hạn chế hút thuốc trong bệnh viện, ảnh hưởng đến sức khỏe người khác. “Tôi là người nghiện hút thuốc nhưng cũng ý thức được là vô bệnh viện thì không được hút. Đây là nơi có nhiều người bệnh, sức khỏe kém, lỡ hít phải khói thuốc nữa thì càng yếu thêm”- Ông Lê Chức ở xã Nghĩa Mỹ, Tư Nghĩa chia sẻ.
Với các đơn vị y tế như bệnh viện tuyến tỉnh, huyện hay trạm y tế xã, việc nói không với thuốc lá đang được kiểm soát khá hiệu quả. Ông Nguyễn Thành- Chánh Thanh tra Sở Y tế chia sẻ: “Sở hằng năm vẫn đi kiểm tra các đơn vị y tế để nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với đội ngũ cán bộ, công chức ngành y”.
Dù Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực, nhưng xem ra hiệu quả thực thi vẫn còn thấp. Khi hiện tượng hút thuốc lá ở nhiều nơi công cộng còn cao, và những người hút thuốc thụ động vẫn phải đối diện với nguy cơ bệnh tật do thuốc lá gây ra, thì rất cần đến tinh thần tự giác của người trong cuộc. Không chỉ riêng ở bệnh viện mà cần nhân rộng ra tất cả các nơi công cộng, để hạn chế tối ca số người mắc các bệnh do khói thuốc gây ra.
Bài, ảnh: Thanh Phương